Hàng Trung Quốc qua 1688, Temu đến Việt Nam có đáng lo?

Trong giai đoạn đầu, tác động của các sàn TMĐT Trung Quốc bán xuyên biên giới chưa nhiều, nhưng sẽ ảnh hưởng mạnh đến toàn ngành trong 1-2 năm nữa.

Gần đây, sàn bán sỉ 1688 vừa mở đường ship hàng xuyên biên giới đến khách trong nước, hỗ trợ thanh toán quốc tế. Temu, tay chơi được hậu thuẫn bởi Pinduoduo cũng hỗ trợ vận chuyển đến Việt Nam với thời gian 4-6 ngày.

Cùng thời điểm, hãng bưu chính Viettel Post mở dịch vụ mua hộ trên các sàn TMĐT Trung Quốc. Trước đó, tài khoản được dán nhãn “quốc tế” ở Shopee, Lazada đã bán trực tiếp hàng từ Trung Quốc đến khách Việt.

Sự xuất hiện đồng thời của nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới, nhắm đến khách hàng Việt Nam, làm dấy lên lo ngại gia tăng cạnh tranh ở thị trường trong nước.

Bước đầu của 1688, Alibaba ở Việt Nam

Đầu tháng 10, phiên bản ứng dụng trên iOS của 1688 xuất hiện các cài đặt tiếng Việt, hỗ trợ thanh toán bằng thẻ quốc tế. Thông tin này gây xôn xao trong cộng đồng kinh doanh online. Tuy nhiên theo những người bán lâu năm, 1688 chưa tác động gì đến thị trường.

“Hiện chỉ một phần nhỏ ứng dụng được chuyển ngữ, việc mua hàng còn nhiều khó khăn. Đây cũng là sàn nhắm đến nhóm khách mua số lượng lớn, không phổ biến với người dùng cá nhân”, ông Đỗ Quang Huy, Thạc sĩ chuyên ngành TMĐT, trả lời Tri Thức - Znews.

temu vao viet nam anh 1

Giao diện tiếng Việt của app 1688.

Đồng quan điểm, ông Công Hậu, một người bán phụ kiện điện tử trên các sàn TMĐT, cho rằng chỉ một nhóm nhỏ chủ shop chuyên nhập từ 1688 về bán bị ảnh hưởng.

“Người bán nhiều thường tìm cách móc nối với các xưởng sản xuất Trung Quốc, đặt đơn hàng số lượng lớn để lấy giá tốt. 1688 chỉ là nơi liên hệ, tìm đồ mới, ít ai mua lâu dài vì phải trả hoa hồng cho sàn”, người bán này nói thêm.

Mặt khác, ông Hậu cho rằng các dịch vụ nhập hàng hộ vẫn có ưu thế quen thuộc, chi phí kho vận và chuyển đổi ngoại tệ rẻ hơn mức 1688 đang cung cấp.

Trước đó, AliExpress, một sản phẩm bán hàng xuyên biên giới khác của Alibaba, cũng nhắm tới khách hàng Việt Nam, nhưng chưa để lại dấu ấn gì trên thị trường, khó cạnh tranh với sàn TMĐT trong nước như Shopee, Lazada.

Tham vọng xâm nhập thị trường

Hiện tại, mức độ tác động của các nền tảng bán hàng xuyên biên giới đến khách hàng Việt Nam chưa lớn. Người dùng trong nước cũng đã quen thuộc với các nền tảng như Shopee, Lazada hay TikTok Shop. Tuy nhiên theo chuyên gia, cục diện có thể thay đổi trong 1-2 năm tới.

“Nhiều tháng trước, đại diện 1688 đã đến Việt Nam và tìm kiếm người trong ngành để làm việc, mời tham gia các chương trình đối tác bán hàng, affiliate (tiếp thị liên kết). Mục tiêu của họ trong 1-2 năm tới xâm nhập thị trường, chiếm thêm thị phần”, Đ.Q., một người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng người bán hàng online, tiết lộ.

temu vao viet nam anh 2

Loạt ứng dụng TMĐT xuyên biên giới từ Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Quang Huy cho rằng nền tảng từ Trung Quốc có nhiều lợi thế như lượng hàng hóa lớn, gấp nhiều lần số sản phẩm đang có trên các sàn tại Việt Nam. Cộng thêm giá rẻ, ưu đãi, vận chuyển tối ưu, người kinh doanh online trong nước dễ bị cạnh tranh khi những sàn này mở rộng.

Theo Reuters, bán hàng TMĐT xuyên biên giới trở thành mục tiêu mới của các công ty Trung Quốc, được hỗ trợ bởi nhà chức trách quốc gia tỷ dân. Đây là hướng đi cho những doanh nghiệp vốn chỉ tập trung đến khách hàng nội địa, đang chịu thiệt hại khi kinh tế nước này chậm tăng trưởng, khủng hoảng bất động sản kéo dài và thu nhập người dân bấp bênh.

Temu và SHEIN là hai trường hợp thành công của mô hình bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc, thúc đẩy sự thâm nhập của các nền tảng khác.

Nhiều nước muốn chặn hàng Trung Quốc xuyên biên giới

Tác động của hình thức bán hàng xuyên biên giới khiến nhà chức trách nhiều quốc gia lo ngại. Một số nước đề xuất chế tài để ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa Trung Quốc, qua các nền tảng như Temu, SHEIN.

Giữa tháng 9, Mỹ công bố các biện pháp mới nhằm giảm phạm vi áp dụng miễn thuế cho các mặt hàng giá trị thấp. Đồng thời, nước này cũng phê duyệt mức thuế tăng thêm cho hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

temu vao viet nam anh 3

Mỹ, EU hay Indonesia đều muốn ngăn chặn Temu.

Ở Mỹ, Temu đang là nền tảng TMĐT có lượng truy cập lớn thứ 2 với khoảng 2,3%, thua xa con số 40% từ Amazon. Dẫu vậy, nền tảng của tỷ phú Jeff Bezos đã nhanh chóng có những bước đi để chống lại đối thủ này.

Cuối tháng 9, Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự Mỹ, khi muốn áp thuế hải quan cho mặt hàng dưới ngưỡng 150 euro. Nhà chức trách khu vực cân nhắc áp đặt hành động trừng phạt với khoản trợ cấp vận chuyển mà các công ty Trung Quốc nhận được, để đưa hàng hóa đến châu Âu bằng máy bay.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ sản xuất trong nước. Hôm 8/10, nước này thông báo cấm Temu để bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngăn chặn hàng hóa giá rẻ tràn vào.

“Không. Temu không thể gia nhập vì nó gây tổn hại nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa của Indonesia. Chúng tôi sẽ không trao cơ hội”, ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, cho biết vào tuần trước.

Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri

Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.

Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.