Và oanh liệt nhất là trận Bạch Đằng năm 1288, tướng sĩ nhà Trần đã đánh tan đạo quân hùng mạnh của Nguyên Mông bằng chiến thuật "trận địa cọc" trên sông.
Chính đặc điểm mực nước cách biệt lớn khi thủy triều lên xuống gây khó cho việc định cư lâu dài lại trở thành lợi thế trong thủy chiến để Hưng Đạo Vương thể hiện tài năng quân sự.
Bạch Đằng Giang là sông cửa ải
Bạch Đằng Giang là sông cửa ải/ Tổng Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 2: Sáu trăm năm thương nhớ Thăng LongHà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch
Nằm ở trung tâm bảo tàng là những chiếc cọc nhọn được trưng bày trang trọng. Đó là những chiếc cọc được khai quật từ các trận địa cọc ở ngã ba sông Bạch Đằng và sông Chanh, hai con sông bao quanh đảo Hà Nam, nơi diễn ra trận đánh quân Nguyên Mông vào tháng 3 năm Mậu Tý 1288.
Từ vùng biển đông bắc này, đường thủy tốt nhất để đi vào kinh đô bấy giờ là theo sông Bạch Đằng vào sông Kinh Thầy, rồi qua sông Đuống, vào sông Hồng là gặp ngay Thăng Long.
Đó cũng chính là con đường mà các vị tiên công năm xưa từ Thăng Long ra đây khai hoang lập ấp. Khi quân Nguyên Mông mở cuộc xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba, cánh quân thủy do nguyên soái Ô Mã Nhi chỉ huy cũng vào Thăng Long và sau đó rút quân về theo đường này.
Khởi binh vào cuối năm 1287, sau năm tháng quần thảo đất Đại Việt, đạo quân Nguyên Mông do hoàng tử Thoát Hoan tổng chỉ huy chiếm được Thăng Long nhưng kinh thành đã "vườn không nhà trống".
Đoàn thuyền chở lương thực tiếp tế lại bị đánh tan ở Vân Đồn. Mất lương thực, gặp lúc thời tiết nóng bức, lại bị quân nhà Trần liên tục tập kích, quân Nguyên Mông rã rời. Thoát Hoan phải chọn cách rút quân.
Cánh quân đường thủy của nguyên soái Ô Mã Nhi lại theo sông Bạch Đằng mà rút, không ngờ đã rơi vào trận địa cọc ở bãi triều cuối sông. Nơi đó mấy trăm năm sau là làng mạc thuộc tổng Hà Nam.
Hà Nam xưa là bãi chiến trường
"Trước đó, Hưng Đạo Vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rối giả cách thua chạy.
Bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết... Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn.
Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả". Diễn biến của trận chiến ngày 8-3 năm Mậu Tý 1288 đã được chép lại như thế trong sách Đại Việt sử ký toàn thư biên soạn vào thời Lê (hậu).
Trận đánh diễn ra từ đầu buổi sáng, kéo dài đến chập tối mới kết thúc. Đoàn quân Nguyên Mông với khoảng 4 vạn tướng sĩ đã bị tiêu diệt phần lớn.
Hàng trăm thuyền chiến bị đốt cháy hoặc bị cọc đâm. Quân nhà Trần còn thu được hơn 400 chiến thuyền khác. Nguyên soái Ô Mã Nhi cùng toàn bộ tùy tướng bị bắt.
PGS.TS Tống Trung Tín và TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) cho hay: "Thơ ca, truyền thuyết, đền miếu và các dấu tích phát lộ cho thấy đảo Hà Nam là nơi diễn ra trận quyết chiến trên bờ, hay đúng hơn là nửa trên cạn, nửa dưới nước".
Các bãi cọc Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa ở Hà Nam là dấu tích của giai đoạn quyết liệt kết thúc trận đánh.
Trận địa cọc trên đảo Hà Nam
Theo chân anh Đoàn Văn Nam - một người dân bản địa, chúng tôi tìm đến bãi cọc Đồng Má Ngựa, nay thuộc phường Nam Hòa, nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng trên đảo Hà Nam.
Bà Nguyễn Thị Vui, chủ ngôi nhà ngay sát cạnh di tích bãi cọc, chỉ tay ra hồ nước trước nhà nói: "Năm đó gia đình tôi đào ao thả cá thì phát hiện những chiếc cọc dưới sâu khoảng 2m, liền báo với chính quyền.
Sau đó có một đoàn các nhà nghiên cứu ở tận Hà Nội về nghiên cứu, có cả người nước ngoài. Họ thuê chúng tôi đào cả tháng. Tìm thấy toàn là cọc lim nhọn nằm gần nhau".
Anh Đặng Văn Cương, con bà Nguyễn Thị Vui, được tham gia làm nhân công cho cuộc khai quật năm 2010, kể: "Bãi cọc được phát hiện khoảng 20 năm trước nhưng khai quật thì nhiều giai đoạn.
Tôi cùng mấy chục người tham gia đào cả tháng, tìm thấy bao nhiêu là cọc, đào sâu đến 3m vẫn thấy cọc lim vạt nhọn.
Chỗ cây dừa phía góc ao này có khoảng 60 cọc. Nếu đào ra tận ngoài sông chắc cọc còn nhiều lắm. Bởi ngày xưa ở đây chưa có đê nên thông với các con sông bốn phía đều là nước cả".
Cách bãi cọc Đồng Má Ngựa khoảng nửa cây số gần ngã ba sông Bạch Đằng - sông Chanh là bãi cọc Đồng Vạn Muối, được phát hiện từ năm 2005. Cùng với bãi cọc Yên Giang bên kia sông Chanh là trận địa cọc đã đâm thủng hàng trăm chiến thuyền của quân Nguyên Mông năm xưa.
Lão nhà văn Dương Phương Toại góp chuyện: "Hằng năm lễ hội Bạch Đằng ở đảo Hà Nam tổ chức trang trọng lắm, định kỳ vào mùng 6 đến mùng 9-3 âm lịch, đúng thời điểm diễn ra chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm xưa, còn gọi là Giỗ trận.
Bà con Hà Nam nô nức rước Đức Thánh Trần và tưởng nhớ các dũng sĩ đã có công đánh giặc cứu nước, bảo vệ giang sơn".
Nhiều làng trên đảo Hà Nam đã tôn vinh Hưng Đạo Vương là thần hoàng của làng, lập đình miếu thờ ngài mà độc đáo nhất là đình Trung Bản.
Hòn đảo thờ thần hoàng Hưng Đạo Vương
Chúng tôi tìm đến đình làng Trung Bản thuộc xã Liên Hòa ở đảo Hà Nam khi chiều đã muộn. Ngôi đình không lớn nhưng là di tích lịch sử quốc gia bởi những giá trị văn hóa - lịch sử chỉ riêng nơi này có.
Trong đó có bức tượng Đức Thánh Trần được nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đánh giá là độc đáo nhất trong tất cả tượng Hưng Đạo Vương ở Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn được chiêm bái bức tượng, ông Nguyễn Văn Khá, thủ nhang của đình, vui vẻ đồng ý. Ông nói thêm: "Nơi thờ ngài rất linh thiêng, không phải ai cũng được vào khám thờ ngài và vào lúc nào cũng được. Vì các anh ở tận miền Nam ra nên chúng tôi xin ngài cho phép".
Sau khi thành kính hương khói, chúng tôi được dẫn vào khám thờ ở phía sau. Một bức tượng Hưng Đạo Vương với hình dung tướng mạo rất khác thường.
Ông thủ nhang say sưa giảng giải: "Để chuẩn bị cho trận Bạch Đằng năm đó, ngài đã về đây xem xét địa hình. Bốn bề sông nước, lại gần cửa biển nên ngài phải tìm lên một gò đất cao để quan sát cho rõ.
Bất chợt có ngọn gió to khiến búi tóc ngài xổ tung. Ngài chống gươm xuống, lấy tay búi lại tóc. Lúc ấy đảo Hà Nam chưa có người đến ở nhưng người nơi khác qua đây thấy vậy nên kể lại.
Đời sau bèn lập miếu, lập đình tạc tượng ghi nhớ ngài. Đây là bức tượng duy nhất tạc Đức Thánh Trần với búi dài xõa kín cả lưng".
Thời Nguyễn vùng cửa sông Bạch Đằng và biển đảo Quảng Yên luôn bị quân phiến loạn, thổ phỉ quấy rối, muốn chiếm giữ Hà Nam để đóng quân. Nơi này lại diễn ra những trận đánh ác liệt.
Sách Đại Nam thực lục (bộ sử nước ta vào thời Nguyễn) thời Tự Đức đã chép lại các diễn biến này từ năm 1863 đến 1875. Khi vua Tự Đức hỏi về việc nước Y Pha Nho (tức Tây Ban Nha) dòm ngó, làm thế nào để giữ vững, tuần phủ Quảng Yên là Lê Hữu Thường tâu: "Tổng Hà Nam thuộc huyện Nghiêu Phong, dân chúng hơi đông, lại có nhiều người nghĩa dũng, giả sử có nước ấy gây hấn, hết sức chống giữ, tưởng cũng có thể giữ được".
Năm 1875, vua ban thưởng cho dân chúng tổng Hà Nam, mỗi xã đều thưởng tấm biển có khắc chữ "Nghĩa dân".
-----------------------
Hà Nam lễ hội rộn ràng quanh năm và tập trung nhiều nhất vào tháng giêng. Đặc sắc nhất là lễ hội Tiên Công và tục mừng thọ với đám "rước người" có một không hai ở Việt Nam.
Kỳ tới: Lễ hội “rước người” có một không hai