UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP về lộ trình thực hiện đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm.
Theo đó, việc tổ chức nghiên cứu thu phí ô tô vào trung tâm sẽ triển khai cùng với phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời với lộ trình xây dựng, đưa vào khai thác các tuyến Metro số 1, niềm hy vọng từ đường tàu mùa xuânĐỌC NGAY
Về lý do đề xuất chưa triển khai thu phí giai đoạn này, tại báo cáo đề xuất gửi UBND TP, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay việc tổ chức triển khai đầu tư hệ thống thu phí ô tô vào trung tâm cần xem xét thực hiện theo lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng.
Do đó, thu phí ô tô vào trung tâm nên được nghiên cứu triển khai sau khi hình thành, đưa vào khai thác các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7.
Việc này phù hợp theo quan điểm tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Hiện nay, đề án metro tổng thể tại TP.HCM và Hà Nội đã được hoàn thiện và trình Bộ Chính trị.
Tại đề án, TP.HCM đã đề xuất 43 cơ chế, chính sách để đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km vào năm 2035.
Khi các tuyến metro này đưa vào khai thác, vận tải hành khách công cộng sẽ đảm bảo đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Tăng tốc đầu tư metro, phủ xanh buýt điện
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được thẩm định, mạng lưới metro tại TP có 10 tuyến với tổng chiều dài 510km.
Tại đề án metro, TP đề xuất hoàn thành 7 tuyến vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỉ USD. Đến năm 2045 sẽ làm xong thêm 3 tuyến với tổng chiều dài 155km để hoàn thiện mạng lưới theo quy hoạch.
Với việc tăng quy mô, tăng chiều dài đầu tư theo hai giai đoạn sẽ giúp TP rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới vào năm 2045 thay vì phải đợi đến năm 2060.
Bên cạnh đề án metro, đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.HCM sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, TP sẽ tập trung "xanh hóa" xe buýt điện từ nay đến năm 2030.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Trong đó, xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm là đơn vị thực hiện thí điểm trong chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện.