Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Cán bộ,
Chuyên viên UBND phường tại TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH
Cần khách quan từ thủ trưởng
Ông Tạ Công Dũng, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng muốn tìm được người giỏi thì việc quan trọng nhất thuộc về thủ trưởng từng đơn vị: dựa vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công việc được giao, nhìn nhận khách quan cán bộ hoàn thành chuẩn chỉnh, nhanh và sáng tạo trong công việc. Đây là cơ sở rất quan trọng để sàng lọc cán bộ giỏi, cán bộ kém.
Tuy vậy, cũng cần khách quan từ thủ trưởng. Bởi thực tế có câu chuyện cán bộ giỏi, năng lực tốt được lãnh đạo giao rất nhiều việc. Với khối lượng đồ sộ thì sẽ có công việc không thể hoàn thành tốt. Nhưng họ thật sự giỏi, cần phải nhìn thấu đáo để giữ. Còn cán bộ kém, chỉ được giao 1-2 việc, có hoàn thành cũng không thể gọi là cán bộ giỏi được bởi thực tế năng lực giải quyết công việc không tốt.
Ông Dũng còn đưa ra kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc điều động, luân chuyển, sàng lọc cán bộ. Họ chọn những cán bộ trẻ, giỏi, có khả năng... và đưa về những vùng khó khăn nhất để "thử lửa". Sau 5 năm, nhà quản lý sẽ đánh giá vùng đó có phát triển kinh tế - xã hội được hay không, từ đây mới xác định đúng nhất người giỏi.
"Như vậy muốn tìm cán bộ giỏi phải đưa cán bộ đó trải qua thực tiễn. Đánh giá qua hiệu quả dựa trên sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đó. Đồng thời người cán bộ đó phải giải quyết tốt công việc được giao, người dân và đồng nghiệp tín nhiệm. Đây là thử thách quan trọng nhất để chọn lựa chính xác nhất", ông Dũng nói.
Cùng với đó, việc tuyển chọn đầu vào, cán bộ phải có năng lực, một số yếu tố nổi trội và đánh giá qua thực tiễn giao việc và định kỳ phân công cơ quan giám sát kiểm tra đánh giá. Ông Dũng cho rằng lâu nay cơ quan giám sát, đánh giá năng lực cán bộ vẫn chưa thật sự sát sao.
Trong bối cảnh vừa sắp xếp vừa sàng lọc tinh giản bộ máy, ông Dũng cho rằng việc đầu tiên phải làm để chọn cán bộ giỏi ở lại bộ máy là công khai, dân chủ, minh bạch. Đánh giá đúng người từ hiệu quả giải quyết công việc, số lần khen thưởng, tuyên dương và lắng nghe ý kiến của người quản lý nhân sự trực tiếp...
Nếu không làm tốt vấn đề này, quá trình tinh giản dù có chính sách tốt cũng không tránh khỏi việc những người có năng lực thật sự sẵn sàng ra ngoài. Như thế vừa mất cán bộ giỏi, vừa chọn không đúng người.
"Vì thế việc công khai, minh bạch, dân chủ rất quan trọng để đánh giá con người. Thậm chí những cán bộ có năng lực giỏi muốn ra ngoài mình cũng cố gắng giữ chân lại. Cái quan trọng nhất là phải tìm ra được những nhân tố tích cực. Lý thuyết, sách vở thì nhiều nhưng cái chính vẫn là minh bạch để sáng suốt chọn người tài", ông Dũng nhìn nhận.