Cuộc cách mạng này đang diễn ra rất nhanh, rất quyết liệt, nhắm thẳng vào vấn đề cấp bách hiện nay, nếu thành công sẽ tạo đà cho đất nước phát triển theo diện mạo mới.
Cổ nhân có câu "Thức lâu mới biết đêm dài". Có đủ trải qua, có đủ kinh nghiệm trong hệ thống chính trị mới thấy hết những trở ngại, sức ì, không ít điều bất hợp lý, thậm chí song trùng, chồng chéo, cồng kềnh... từ đó mới có thể hiểu thấu đáo ý nghĩa quan trọng và cần thiết của cuộc cách mạng Thủ tướng: Tinh gọn bộ máy, một người làm nhiều việc, ai làm tốt nhất thì giaoTinh gọn bộ máy: Hiện thực hóa chính quyền chuyển đổi sốThủ tướng họp bàn về chế độ cho cán bộ, công chức nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy
Điều đó không phải đến nay mới được nhận thức rõ, nhưng thực tế những năm qua cho thấy cứ "lom dom" mãi mà chưa thể giải quyết rốt ráo, mọi thứ cứ động đậy một thời gian rồi lại đâu vào đó, có khi còn tệ hơn.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy động chạm đến thể chế, động chạm trực tiếp vị thế, "bát cơm, manh áo", tâm tư, tình cảm của vô số con người. Những gì sẽ xuất hiện khi một tổ chức kết thúc nhiệm vụ?
Sẽ vận hành thế nào cho "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" khi có những cơ quan phải nhận thêm hàng loạt chức năng mới?
Sẽ ra sao khi có khá đông đảo cán bộ, công chức, viên chức phải rời vị trí để hệ thống tinh gọn hơn, hiệu quả hơn?
Còn rất nhiều câu hỏi hóc búa nữa... Nói như vậy không phải để nhụt chí mà là để thấy hết khó khăn chờ đợi trước mắt, nhưng bây giờ thì chỉ "bàn làm, không bàn lùi".
Từ lâu xã hội luôn đồng thuận với chủ trương tinh gọn bộ máy. Nhưng còn đó những e ngại, lo lắng, chủ yếu là từ những "người trong cuộc".
Sự lúng túng, sự xung đột lợi ích, sự chống đối ngấm ngầm hay công khai là không thể tránh khỏi. Đây chính là lực cản khiến cho chủ trương tinh gọn bộ máy trong quá khứ nhiều lần chững lại.
Nếu cứ khuất phục thói quen muôn thuở, tiếp tục lề lối cũ, tất nhiên là không thoát khỏi sự nhùng nhằng với hệ thống quản lý phức tạp, trong đó bao gồm cả những người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
Nhưng thực tế phát triển của đất nước đã đến lúc đòi hỏi không thể chững lại được nữa.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang khởi đầu với dáng dấp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn các lần trước. Không chờ trung ương làm gương, ngay cả các địa phương cũng gấp gáp chuyển mình.
Năm 2025 sẽ có những tổ chức "biến mất", có cơ quan sáp nhập; có những người mất quyền lực; có những người bị đào thải hoặc phải hy sinh lợi ích. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá sẽ có khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ gói gọn ở cấp thượng tầng mà đang lan tỏa xuống các cơ sở.
Điều chính yếu là phải làm cho công cuộc "loại biên" trở thành một cuộc sàng lọc thật sự minh bạch và dân chủ, tránh được việc sáp nhập mang tính cơ học thiếu hợp lý và sáp nhập theo phong trào rập khuôn có khả năng làm mất đi những bộ máy, cơ quan, cá nhân cần thiết và tài giỏi.
Khi người ra đi "tâm phục, khẩu phục", người được giữ lại xứng đáng với giá trị thì hệ thống chính trị mới có thể hoạt động hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng.