Phụ phẩm cá Việt Nam “lên đời”: Bứt phá kỷ lục, thu trăm triệu USD khi ngành thủy sản gặp khó

Tận dụng phế phẩm từ cá, nhiều sản phẩm tưởng chừng bình thường đang trở thành “điểm sáng” trong ngành thủy sản Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng mạnh trên 20% trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản tháng 6 vẫn duy trì mức cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tăng khiêm tốn 4%, đạt 876 triệu USD. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ – giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo, xuất khẩu trong nửa cuối năm có thể đối mặt kịch bản suy giảm do áp lực thuế quan từ phía Mỹ.

Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng gia tăng giá trị, các sản phẩm surimi (một dạng thịt cá xay nhuyễn, được xử lý và tinh chế) và chả cá đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đặc biệt, surimi đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản, nhất là trong giai đoạn thị trường toàn cầu còn nhiều biến động và khó khăn.

Phụ phẩm cá Việt Nam “lên đời”: Bứt phá kỷ lục, thu trăm triệu USD khi ngành thủy sản gặp khó- Ảnh 1.

Surimi từ vụn thịt cá (ảnh minh hoạ).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chả cá và surimi trong tháng 5/2025 đạt gần 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này đạt hơn 140 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ, cao nhất trong ba năm qua.

Sự tăng trưởng ấn tượng này có được nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu. Các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực khai phá các thị trường ngách như Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Philippines, Nga…, nhằm thích ứng với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo VASEP, nhu cầu tiêu thụ surimi đang tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cá.

Chiến lược thông minh hướng tới kinh tế tuần hoàn

Không chỉ là sản phẩm xuất khẩu chiến lược, surimi và chả cá còn là lời giải cho bài toán tận dụng nguyên liệu thừa trong ngành chế biến cá. Trong quá trình sản xuất cá phi lê xuất khẩu (như cá tra, cá basa, cá rô phi…), khoảng 40–60% trọng lượng cá trở thành phụ phẩm như thịt vụn bám xương, da, đầu, xương, vây, ruột...

Những phần thịt dính xương và vụn thịt sau khi lọc phi lê sẽ được thu gom, xay nhuyễn để sản xuất surimi – loại thịt cá tinh chế có độ kết dính cao, phù hợp cho nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Surimi là nguyên liệu đầu vào của nhiều sản phẩm như chả cá, thanh cua, bánh cá, xúc xích cá... Với đặc tính dễ định hình, bảo quản lâu và giá trị thương mại cao, surimi giúp nâng cao giá trị từ những nguyên liệu tưởng như bỏ đi.

Tương tự, chả cá – sản phẩm truyền thống quen thuộc – cũng tận dụng phần thịt cá không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi trộn với gia vị, phụ gia, thịt cá được hấp, chiên hoặc nướng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, dễ tiêu thụ và thân thuộc với thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Việc sản xuất surimi và chả cá không chỉ giúp giảm lãng phí nguyên liệu, mà còn góp phần xử lý phụ phẩm, bảo vệ môi trường và tạo thêm việc làm cho người lao động. Đây là một chiến lược tái chế thông minh, hướng tới kinh tế tuần hoàn trong ngành nông – thủy sản.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường tăng nhanh và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe, việc tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, kết hợp với chiến lược chế biến sâu, chính là chìa khóa giúp thủy sản Việt Nam giữ vững vị thế và bứt phá trong tương lai.