Thông tin này được ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng phòng thanh tra - kiểm tra số 9, Cục Thuế TP.HCM, cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa tổ chức chiều nay, 24-12.
Doanh nghiệp ma ngày càng lộ liễu
Dẫn chứng cụ thể, ông Hồng nêu trường hợp địa chỉ mail [email protected] đứng tên địa chỉ mail của 80 Chiêu trò hai hệ thống kế toán, mua bán hóa đơn của ‘ông trùm’ thiết bị y tếĐỌC NGAY
Đáng chú ý, hiện nay những đối tượng thành lập doanh nghiệp ma để mua bán hóa đơn có rất nhiều chiêu để đối phó.
Vừa qua cơ quan thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhưng xuất hóa đơn có giá trị lớn, sử dụng "chiêu" kê khai đầu vào và đầu ra không có chênh lệch để tránh hệ thống phát hiện rủi ro.
Khi kiểm tra hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp này thì mặt hàng xuất bán ghi rất chung chung: "theo giá trị hợp đồng kinh tế số… ngày…" không ghi rõ mặt hàng gì nhằm qua mắt cơ quan quản lý thuế, do không xác định được hàng hóa nhập xuất tồn…
"Để xử lý các trường hợp này, cán bộ quản lý thuế ngoài việc xác minh địa điểm để ra thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế còn phải gửi công văn cảnh báo đến cơ quan thuế quản lý các doanh nghiệp nhận và xuất hóa đơn cho các doanh nghiệp ma này.
Đồng thời cũng chuyển tin báo đến cơ quan công an đối với doanh nghiệp xuất hóa đơn số lượng và giá trị lớn", ông Hồng cho biết.
Nhặt căn cước công dân của người ở vùng sâu vùng xa để mở doanh nghiệp
Ngoài ra một số không nhỏ các đối tượng đã thành lập ra hàng chục công ty ma, được đứng tên căn cước công dân thu nhặt được của người khác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm giám đốc doanh nghiệp.
Trong năm, cơ quan thuế cũng tiếp nhận thông tin tố giác của một số cá nhân bị các doanh nghiệp sử dụng căn cước công dân của mình để thành lập doanh nghiệp. Khi tiếp nhận thông tin này, cơ quan thuế phải lập tức chặn xuất hóa đơn, sau đó tiến hành khóa mã số thuế, thông tin đến Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Công an TP.HCM để xử lý theo quy định.
Nhưng việc chuyển tin báo đến cơ quan công an có trường hợp bị trả lại và cơ quan công an đề nghị làm rõ thêm về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Chẳng hạn số lượng bao nhiêu tờ, thu lợi bất chính bao nhiêu, hành vi cố ý sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ mua bán trái phép có khai thuế hay không, trốn thuế bao nhiêu, thời gian nào, có tái phạm không…
Trong khi đó, doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh nên cơ quan thuế không thể làm việc được với doanh nghiệp để làm rõ các thông tin theo yêu cầu của cơ quan công an.
"Xảy ra tình trạng này do khâu thành lập doanh nghiệp quá thoáng, không kiểm soát người đại diện pháp luật là thật hay ảo. Do vậy cơ quan thuế cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư liên thông trên hệ thống để kiểm tra đối chiếu căn cước công dân theo VNeID của Bộ Công an để xác định cá nhân này có tồn tại hay không.
Cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần kiểm soát kỹ lưỡng nhân thân của đại diện pháp luật gồm mã định danh, sinh trắc học... nhằm đảm bảo không xảy ra trường hợp sử dụng bất hợp pháp căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp. Thông tin căn cước định danh, tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người đại diện theo pháp luật cũng phải gắn với mã số thuế", ông Hồng nêu đề nghị.
Yêu cầu chuyển hồ sơ qua cơ quan công an
Sau khi nghe báo cáo, ông Mai Xuân Thành, tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đề nghị Cục Thuế TP.HCM củng cố hồ sơ vụ cùng địa chỉ mail đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho 80 doanh nghiệp để chuyển cơ quan công an nhằm răn đe, chứ không chỉ cảnh báo chung chung.