Đề xuất gây nhiều tranh cãi
Tại Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) vừa đưa ra lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu trên TMĐT.
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng giao dịch qua sàn thương mại điện tử thay vì 2 triệu đồng như trước đó.
Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 48 triệu đồng/năm.
Theo đó, lý giải cụ thể về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết là nhằm đảm bảo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan hải quan trong theo dõi, thực hiện thủ tục hải quan.
Trong những năm gần đây, TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô và hình thức, trung bình mỗi năm từ 15-20%. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức. Việt Nam có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh trên TMĐT không cần có trụ sở và thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử. Máy chủ có thể đặt ở nước ngoài mà việc kinh doanh vẫn tiến hành bình thường...Các yếu tố này đều gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Còn các cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.
Về phía người tiêu dùng, nhiều cá nhân chia sẻ rất phấn khởi và ủng hộ đề xuất này bởi hàng hóa sẽ có mức giá rẻ hơn - kích thích người mua có cơ hội sử dụng hàng hóa trong bối cảnh tài chính khó khăn, chi tiêu bị thắt chặt. Chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy) chia sẻ, hàng hóa tiêu dùng dưới 1 triệu đồng chiếm đa số trong ngôi nhà của mỗi gia đình. Nếu được miễn thuế, hàng hóa nước ngoài sẽ có mức giá rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thì ngược lại, họ lo lắng vì đối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn. Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Nam Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, khi được miễn thuế, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm, nhất là hàng từ Trung Quốc vốn đã chiếm lĩnh "sân nhà" do làn sóng giá rẻ đổ bộ lâu nay - gây sức ép cạnh tranh lên hàng sản xuất trong nước. "Khi thị phần tại thị trường trong nước bị thu hẹp bởi sự lấn lướt của làn sóng hàng ngoại nhập giá rẻ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay. Chúng tôi cho rằng, đề xuất này chưa ưu việt và tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng nhập khẩu dưới 1 triệu và hàng hóa sản xuất trong nước", ông Hiếu nhấn mạnh thêm.

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu gây sức ép cạnh tranh lên hàng sản xuất trong nước.
Chưa hết, ông Hiếu còn cho rằng, việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu trên TMĐT còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu công bằng giữa các phương thức nhập khẩu khác nhau.
Miễn thuế hàng nhập giá trị nhỏ, nhưng tác động không hề nhỏ
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp với cam kết tại Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan ngày 26/6/1999, yêu cầu pháp luật của các quốc gia phải quy định giá trị hoặc mức thuế tối thiểu của hàng hóa nhập khẩu không thu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Tuy nhiên, cũng không ít bất cập và chưa hợp lý đối với nền sản xuất trong nước và nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo số liệu của Bộ Công thương, ở nước ta, trung bình mỗi ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về qua các sàn TMĐT. Như vậy, nếu áp dụng chính sách miễn thuế với nhóm hàng hóa này thì sẽ có khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế mỗi năm. "Điều này, không chỉ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế từ hàng nhập khẩu, mà sâu xa hơn nữa, còn làm thất thu lượng thuế lớn đối với hàng "nội" khi bị "ế", bị thua trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập. Rõ ràng, tác động của chính sách miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ", ông Nguyễn Đoàn Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương phân tích.
Dưới góc độ chuyên gia về thị trường, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước còn cho rằng, nếu miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu trên TMĐT thì có thể dẫn đến tình trạng người mua hàng "lách luật" bằng cách tách nhỏ đơn hàng dưới số tiền quy định để không phải mất tiền thuế.
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng về tính hợp lý của đề xuất này, tránh tạo ra những lỗ hổng không đáng có trong chính sách quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hơn thế nữa, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự khó hiểu khi chỉ trong một thời gian ngắn, chính sách miễn thuế và thu thuế của Bộ Tài chính thay đổi liên tục và điều này gây sự bất ổn trên thị trường cũng như thiếu thuyết phục đối với doanh nghiệp, người dân. Theo các chuyên gia, nước ta đã và đang hỗ trợ nền sản xuất trong nước bằng việc đẩy mạnh thực hiện "Cuộc vận động, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nên bất cứ chính sách nào cũng cần đặt vấn đề ưu tiên hàng Việt lên hàng đầu, tránh gây thiệt thòi cho hàng hóa trong nước. Điều đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nội, để thông qua đó đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.