Tôi tranh thủ viết những dòng này trong khi chờ bác tài xế xe công nghệ tới rước. Nhìn trên bản đồ, thấy bác ấy vẫn còn kẹt giữa bản đồ đỏ choét.
Nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ sớm thích ứng với sự thay đổi này như bao lần thay đổi khác.
Bởi ngồi sau lưng bác tài hay tự mình rong ruổi trên đường, tôi vẫn thấy có một lối khác rộng hơn so với lòng đường chật hẹp: lòng người mở ra những lối thoát kẹt xe.
Đó là khi chú xe ôm ngồi góc đường hô lớn: quay lại đi, đi hẻm này nè, đi thẳng là "dính chùm" luôn đó.
Đó là khi dì Hai bán bún bò trong con hẻm nhỏ cứ luôn để ý tém tém lại bàn ghế để không ảnh hưởng bà con đi qua.
Vậy mà từng có lúc tôi giữ riêng cho mình những "mánh" đi tắt để tránh kẹt xe. Trong khi chính người dân tại đây đã tự "khui ra" con đường tắt, không ngại ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của mình.
Tỷ như muốn vào đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1) thường phải đi từ Đinh Tiên Hoàng đến Võ Thị Sáu rồi vòng về Phan Liêm, vốn là những cung đường một chiều hay kẹt xe lúc tan tầm thì có một con đường mà ít người biết, mang tên đường Hòa Mỹ.
Nói là đường nhưng thật ra nó không khác gì một con hẻm khi dài chỉ có vài trăm mét, rộng có đoạn chưa tới hai mét, nhưng lại có thể liên thông tất cả các con đường lớn khác như Phan Tôn, Phan Ngữ, dẫn ra Điện Biên Phủ, Mạc Đĩnh Chi…
Chị bán nước giải khát vừa chỉ đường vừa luôn miệng nhắc mọi người chạy xe cẩn thận trên đường Hòa Mỹ - Ảnh: NGỌC ẨN
Và tôi biết có hàng trăm con hẻm, con đường như thế ở thành phố đáng sống này.
Ngay vòng xoay Điện Biên Phủ, quận 1 có một xe sửa nón bảo hiểm với dòng chữ "Chỉ đường giúp mọi người".
Dòng viết sơn tay ấy có người viết giúp, còn người chỉ đường chỉ nghĩ rất đơn giản: "Ngồi không cũng không làm gì, mình chỉ thêm giúp người ta. Chỗ này trật một ly là đi một dặm, mất thời giờ tội nghiệp bà con".
Tôi thường tìm thấy những niềm vui nhỏ nhặt, những "lối thoát" riêng như thế ở TP.HCM. Và chắc rằng bạn cũng sẽ tự khám phá được những ngã rẽ dễ thương tại mảnh đất 10 triệu dân này, nếu chúng ta cùng chậm lại trong những ngày này!