Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm Phạt 174.000 trường hợp vi phạm sau nửa tháng thi hành nghị định 168
Các hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với cá nhân, 8-12 triệu đồng với tổ chức.
Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng với cá nhân, từ 32-36 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô có hành vi lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định tham gia giao thông; đi xe ô tô không gắn biển số…
Bên cạnh đó, hành vi không gắn biển số đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông bị phạt từ 20-26 triệu đồng với cá nhân, 40-52 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô.
Đặc biệt, tại nghị định quy định mức phạt tiền từ 65 - 75 triệu đồng với cá nhân, 130 - 150 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hay trực tiếp điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 50%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hay trực tiếp điều khiển phương tiện (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.
Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.
Mức phạt trên cũng áp dụng với hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động.
Hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe.
Các lỗi bị phạt 30-70 triệu đồng với tài xế ô tô
Tại nghị định 168 cũng quy định tài xế ô tô vi phạm một số lỗi sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng.
Cụ thể, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ.
Tài xế vi phạm các lỗi này còn bị tước quyền sử dụng bằng lái từ 22 - 24 tháng.
Với lỗi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định cũng bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với tài xế ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ.
Cùng với đó, bị tước quyền sử dụng bằng lái 10 - 12 tháng và nếu tái phạm sẽ bị tịch thu phương tiện.
Với tài xế ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ mà gây tai nạn sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng và tước bằng lái 22 - 24 tháng.