Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM với vị trí và điều kiện kinh tế thuận lợi sẽ là trung tâm logistics lớn nhất của cả nước và có năng lực hội nhập quốc tế, cần tận dụng lợi thế để tiếp tục phát triển. Trong chiến lược phát triển, TPHCM sẽ cùng với khu vực Đông Nam Bộ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác trên tinh thần “bám sông, hướng biển”, phát huy hơn nữa, mở rộng cửa hơn nữa về hướng biển để kết nối với thế giới.
Để những nỗ lực này đi vào trọng tâm và đạt được kết quả, ông Phan Văn Mãi đề nghị, cần có cơ chế gặp gỡ đối thoại về chiến lược chính sách giữa TPHCM và rộng hơn là vùng Đông Nam Bộ với Hiệp hội cảng biển và các cảng biển, để việc hoạch định của TPHCM và Đông Nam Bộ sát với xu hướng phát triển.
Cùng với đó, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện di chuyển các cảng trong nội thành ra ngoại thành thuận lợi hơn, gắn với phát triển đô thị cảng Hiệp Phước và phát triển các cảng trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.
Để hướng biển, TPHCM sẽ triển khai các dự án, hoàn thành các dự án giao thông kết nối liên cảng vành đai 2, vành đai 3, cao tốc kết nối, các dự án này sẽ được hoàn thành trước năm 2030. Hiện TPHCM đang rà soát lại và bổ sung, nâng cấp để triển khai thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn, trong đó có trung tâm dịch vụ về logistics, về tài chính, đây là những định hướng rất quan trọng đối với kinh tế cảng biển.
"Các doanh nghiệp cảng biển tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế từ TPHCM, từ Đông Nam Bộ để phát triển hơn nữa, xứng tầm với khu vực và thế giới; phải xây dựng các doanh nghiệp cảng theo phương châm “Hiện đại, thông minh, xanh, kết nối và hội nhập quốc tế mạnh”- Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh cho biết, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam được thành lập từ năm 1994. Đến nay, qua 30 năm thành lập, hiệp hội đã có 84 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trong đó, những cảng lớn tại Việt Nam đều là thành viên của hiệp hội. Từ 24 cảng biển hội viên sáng lập ban đầu, qua 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, hiệp hội đã có 82 doanh nghiệp cảng biển hội viên. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển VPA hàng năm cũng phát triển và chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 60% về hàng bách hóa, hàng rời, hàng lỏng và khoảng 90% về hàng container của cả nước.
Năm 2023, 81 cảng thành viên Hiệp hội khai thác được hơn 359 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu và nội địa, trong đó có hơn 17,7 triệu TEU. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2024, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng vượt bậc lên 25% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tượng tăng trưởng đột biến này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có giải pháp tạm thời của các hãng tàu sử dụng cảng Cái Mép để tránh tình trạng dồn ứ tàu hàng tại cảng Singapore do thay đổi lịch tàu container các tuyến Á – Âu tránh khu vực Biển Đỏ qua kênh Suez.
Theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tăng gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 - 4,8 lần so hiện nay.
Theo các doanh nghiệp cảng biển, triển vọng hàng hóa, đặc biệt là container, thông qua cảng biển nước sâu của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến tăng trưởng tốt hơn nhiều so với năm 2023 khoảng 15-20%. Tuy nhiên, tăng trưởng này có dấu hiệu chậm lại trong quý 3/2024 nhưng vẫn còn giữ mức cao khi khó khăn do dồn ứ tàu hàng tại cảng Singapore được khắc phục dần và trong nước, hạ tầng giao thông trọng yếu được ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn cũng đang phát huy tác dụng.
Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối,… tạo thành một chỉnh thể thống nhất.