Tin xấu đối với Google

Google phải đối mặt với áp lực bán Chrome khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết tâm chiến thắng cuộc chiến chống độc quyền.
Google ban Chrome anh 1

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho Google phải bán trình duyệt Chrome, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống lại sự độc quyền của các tập đoàn công nghệ.

Cơ quan này cũng kiến nghị tòa án mở rộng phạm vi vụ kiện, yêu cầu xem xét thêm các hành vi liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ điều hành Android - những lĩnh vực mà Google cũng bị cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền.

Google gặp khó

Chrome - trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, là “cửa ngõ” chính giúp người dùng truy cập vào công cụ tìm kiếm của Google.

Trình duyệt này cũng là yếu tố cốt lõi trong hoạt động quảng cáo của Google. Thông qua Chrome, công ty có thể thu thập dữ liệu người dùng một cách chi tiết, từ đó nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác hơn và tạo ra nguồn thu khổng lồ.

Bên cạnh đó, Google còn tận dụng Chrome để quảng bá sản phẩm AI thế hệ mới của mình là Gemini, một mô hình AI có tiềm năng trở thành trợ lý ảo thông minh.

Chính vì vậy, các cơ quan chống độc quyền muốn tách rời Chrome khỏi Google để tăng cường cạnh tranh trên thị trường.

Google ban Chrome anh 2

Chrome đang là "cần câu cơm" chính của Google. Ảnh: Deepanker Verma.

Cụ thể, các cơ quan chống độc quyền cùng với các tiểu bang đang đề xuất thẩm phán liên bang Amit Mehta áp dụng các yêu cầu cấp phép dữ liệu đối với Google. Điều này sẽ buộc Google phải cho phép các bên thứ ba sử dụng dữ liệu của hãng.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ đưa ra quyết định yêu cầu Google bán Chrome ở một giai đoạn sau, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp trên. Theo số liệu của StatCounter, Chrome hiện chiếm khoảng 61% thị phần trình duyệt tại Mỹ.

Trong quá trình chuẩn bị cho khuyến nghị cuối cùng, các luật sư chính phủ đã có nhiều cuộc họp với các công ty liên quan.

Mặc dù các bang vẫn đang xem xét bổ sung một số đề xuất, nhưng các cơ quan chống độc quyền đã quyết định không áp dụng biện pháp mạnh nhất là buộc Google phải bán hệ điều hành Android.

Bộ Tư pháp Mỹ hiện từ chối bình luận về vụ việc.

Các biện pháp trừng phạt

Tháng 8 vừa qua, Thẩm phán Mehta đưa ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền trong cả lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo tìm kiếm. Quyết định này được đưa ra sau một phiên tòa kéo dài 10 tuần và Google đã tuyên bố sẽ kháng cáo.

Thẩm phán đã quyết định tổ chức một phiên điều trần kéo dài 2 tuần vào tháng 4/2025 để xem xét các biện pháp khắc phục mà Google cần thực hiện. Dự kiến, phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 8/2025.

Để bảo vệ quyền lợi của các trang web, các cơ quan chức năng và các bang đã đề xuất rằng Google phải chia sẻ kết quả tìm kiếm và dữ liệu của mình. Đồng thời, Google cần cung cấp thêm lựa chọn cho các trang web để bảo vệ nội dung khỏi bị các sản phẩm AI của Google khai thác.

Google ban Chrome anh 3

Các công cụ AI của Google đang đưa các trang web vào thế khó. Ảnh: Google.

Các cơ quan chống độc quyền cũng đang xem xét yêu cầu Google tách rời hệ điều hành Android khỏi các dịch vụ khác như tìm kiếm và Google Play. Đồng thời, họ cũng đề xuất tăng cường sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo của Google.

Trong hồ sơ khởi kiện vào tháng 10, các cơ quan chức năng đã yêu cầu cấm loại hợp đồng độc quyền mà Google đang sử dụng, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất khác để hạn chế quyền lực của Google trên thị trường.

Việc tách công ty bắt buộc sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu tìm được một bên mua có đủ khả năng tài chính và quan tâm đến việc tiếp quản.

Tuy nhiên, các công ty lớn như Amazon, những đối tượng tiềm năng có thể mua lại, cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chống độc quyền, điều này có thể cản trở việc thực hiện một thương vụ lớn như vậy.

Độc quyền AI

Tính năng “Tổng quan về AI” của Google, đang ưu tiên hiển thị các câu trả lời do AI tạo ra ngay ở đầu kết quả tìm kiếm, đã đặt các trang web vào tình thế khó khăn.

Họ không có quyền từ chối việc thông tin của họ được sử dụng để huấn luyện AI, vì nếu không, họ sẽ bị tụt hạng trong kết quả tìm kiếm, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận khách hàng.

Các trang web đang bày tỏ sự lo ngại rằng tính năng này đã làm giảm đáng kể lượng người truy cập vào trang của họ và doanh thu từ quảng cáo.

Google ban Chrome anh 4

Tính năng "AI Overview" sẽ đưa kết quả tìm kiếm lên đầu Google, khiến người dùng không còn cần bấm vào trang web. Ảnh: Google.

Nguyên nhân là người dùng thường hài lòng với những thông tin được tổng hợp sẵn và ít khi click vào các liên kết để xem chi tiết hơn.

Các cơ quan chống độc quyền đang cân nhắc hai phương án chính liên quan đến cấp phép dữ liệu của Google. Thứ nhất, Google sẽ phải bán dữ liệu tìm kiếm cơ bản. Thứ hai, Google cần tách riêng các kết quả tìm kiếm để cung cấp cho các bên khác.

Hiện nay, việc phân phối kết quả tìm kiếm của Google đang bị hạn chế một cách không công bằng, điều này cản trở sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh.

Việc buộc Google phải mở rộng quyền truy cập vào dữ liệu tìm kiếm sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh phát triển và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dùng.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.