Sáng 9/5, hơn 36,6 nghìn thí sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chính thức bước vào kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là kỳ thi thử đầu tiên được tổ chức quy mô toàn tỉnh, nhằm giúp học sinh làm quen với quy trình và áp lực của kỳ thi thật, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới.
Kỳ thi thử kéo dài trong 2 ngày 9 và 10/5, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Đồng Nai tổ chức tại tất cả các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Đây là lần đầu tiên kỳ thi thử tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay thế chương trình cũ 2006. (Ảnh: Anh Trọng).
Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, thay thế chương trình cũ 2006. Vì vậy, kỳ thi thử lần này được xem là đợt tổng duyệt quan trọng cho cả học sinh lẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi.
Dù chỉ là thi thử, song toàn bộ quy trình tổ chức thi được thực hiện nghiêm túc như một kỳ thi thật. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh, với 2 giám thị coi thi và thêm giám sát bên ngoài hành lang.
Các công đoạn từ gọi thí sinh vào phòng, phát đề, phát giấy thi, giấy nháp, ghi thông tin, đến thu bài thi đều tuân thủ đúng quy định của kỳ thi chính thức. Các trường cũng bố trí khu vực để đồ dùng cá nhân bên ngoài phòng thi, nghiêm cấm mang theo thiết bị thu phát sóng như: điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, xu hướng lựa chọn môn thi tự chọn của thí sinh Đồng Nai nghiêng mạnh về nhóm Khoa học xã hội. (Ảnh: Anh Trọng).
Sở GD-ĐT cũng đã phân công các phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra thực tế tại các điểm thi nhằm đảm bảo kỳ thi thử diễn ra đúng quy trình, tạo môi trường thi nghiêm túc cho học sinh.
Nguyễn Thị Bảo Trân, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (Tp.Biên Hoà), chia sẻ: "Kỳ thi thử giúp em hiểu rõ hơn về quy trình thi, từ cách ghi giấy thi đến cách phân bố thời gian làm bài. Lúc đầu em khá lo lắng, nhưng sau khi làm bài môn đầu tiên, em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Đây là cơ hội rất cần thiết để em chuẩn bị cho kỳ thi thật sắp tới".
Ở góc độ phụ huynh, chị Trần Thị Hạnh (ngụ Tp.Biên Hoà), phụ huynh của một học sinh lớp 12, cho biết: "Tôi và nhiều phụ huynh khác rất ủng hộ việc tổ chức kỳ thi thử. Nhờ có kỳ thi này, con chúng tôi bớt áp lực và biết mình còn thiếu sót ở đâu để kịp thời điều chỉnh. Tôi đánh giá cao việc tổ chức bài bản, nghiêm túc như thi thật, vì điều đó giúp các con có tâm lý vững vàng hơn".
Ngoài việc chuẩn bị cho học sinh, kỳ thi thử còn là dịp để các trường và trung tâm giáo dục thường xuyên tập dượt về tổ chức, điều phối nhân sự, và xử lý tình huống, nhằm sẵn sàng cho kỳ thi quốc gia quan trọng vào tháng 6 tới.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đồng Nai, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, xu hướng lựa chọn môn thi tự chọn của thí sinh Đồng Nai nghiêng mạnh về nhóm Khoa học xã hội.
Cụ thể, môn Lịch sử được đăng ký nhiều nhất với hơn 15,3 nghìn thí sinh, tiếp đến là Địa lý (trên 12,2 nghìn thí sinh) và Giáo dục kinh tế - pháp luật (hơn 7,5 nghìn thí sinh).
Ngược lại, 3 môn tự chọn có lượng đăng ký thấp nhất gồm: Công nghệ công nghiệp (99 thí sinh), Tin học (270 thí sinh), và Công nghệ nông nghiệp (510 thí sinh).
Đoàn Vũ