Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án
Đại biểu Dương Khắc Mai - Ảnh: Quốc hội
Huy động nguồn lực trong dân
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) băn khoăn về vốn đầu tư khi đây là dự án có quy mô vốn lớn với hơn 67 tỉ USD, gần bằng tổng thu ngân sách một năm. Từ thực trạng các dự án đầu tư công hiện nay, ông Mai đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng cung cấp vốn.
"Hiện nay nhu cầu chi tiêu hằng năm rất lớn, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình đường sắt, cảng biển, cảng hàng không quốc tế… Riêng 4 chương trình đường sắt kết nối Trung Quốc là 27 tỉ USD" - ông Mai nêu vấn đề.
Theo đó, đại biểu Mai đề nghị trong triển khai dự án cần huy động các nguồn lực tư nhân, huy động sức dân. Ông dẫn chứng khi thảo luận về thị trường vàng, nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực trong nhân dân còn rất lớn. Vì vậy nếu có cơ chế tốt để huy động nguồn lực này, hoặc phát hành trái phiếu, thì "vay trong dân sẽ tốt hơn vay nước ngoài", vừa giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng cho rằng nếu ưu tiên cho kinh tế tư nhân tham gia dự án, sẽ tạo thêm nguồn lực lớn hơn để triển khai dự án. Đặc biệt khi dự án có quy mô vốn lớn, các doanh nghiệp tư nhân có năng lực huy động vốn giỏi hơn thông qua huy động trái phiếu, với lãi suất hấp dẫn trên cơ sở Chính phủ bảo lãnh, để hạn chế sự tham gia của nguồn vốn nước ngoài.
"Nếu có doanh nghiệp lớn tham gia, ta thuê hẳn nhà thiết kế nước ngoài, thuê độc lập và không liên quan tới nhà thầu. Chính phủ đặt bài toán với doanh nghiệp tư nhân như bảo lãnh, trả tiền đúng kỳ và đúng hạn, thì doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn làm được. Chính phủ chỉ lo kiểm tra đúng tiến độ" - đại biểu Thân kỳ vọng.