Trên những cánh đồng trắng xóa mùa nước nổi, lấp ló mấy cái bóng nhỏ xíu của tụi con nít xóm chài, mồ hôi các em đổ xuống cùng ba mẹ để mưu sinh theo con nước.
Thời điểm bận rộn của sắp nhỏ
Tại xóm Việt kiều Campuchia (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), hai tháng nay rộn ràng hơn mọi khi. Đi tới đâu cũng đụng con nít, chúng í ới nhau, cười nói vui vẻ dưới bờ ruộng ngập nước. Một số khác bì bõm bên vỏ lãi, bắt từng con cá, vác từng bó lục bình...
Nước năm nay lên cao, bà con xóm Việt kiều Campuchia rạng rỡ vì tôm cá đỡ hơn mấy năm trước, giá cũng khá hơn. Và với tụi con nít xóm này, cha mẹ càng bận thì các em càng cực thêm.
Giữa trưa, trên bờ ruộng cao hơn cả mét, có hai anh em Tăng Văn Khang (12 tuổi) và Tăng Thị Ngân (10 tuổi) ngồi thở hì hục giữa đống lục bình xanh rì. Hai em gầy nhom, gương mặt đen lem luốc bùn đất. Bên dưới cánh đồng ngập nước là chiếc vỏ lãi chở đầy lục bình của bà Huỳnh Thị Vàng (64 tuổi), bà nội hai đứa.
Mấy bó lục bình là thành quả lao động của bà cháu từ 7h sáng tới giữa trưa. Bà Vàng lớn tuổi, bệnh thần kinh tọa khiến bà đi lại khó khăn, chỉ ngồi một chỗ chặt lục bình, việc gom thành bó và vác lên bờ giao lại cho hai cháu.
Bà Vàng kể: "Cha hai đứa chết chưa giáp năm, mẹ thì bỏ đi khi con Ngân vừa 4 tuổi. Giờ chỉ có 3 bà cháu đùm bọc nhau sống bằng nghề bán lục bình. Mùa nước nổi như này là đỡ vì vỏ lãi đậu được gần bờ, chứ mùa khô tụi nó vác tuốt ngoài kia vô cực lắm".
Bó lục bình ngấm nước nặng tới mười mấy ký, hai đứa trẻ gầy gò vác loạng choạng lên bờ ruộng. Nhiều bó cột quá tay nên nặng hơn, Ngân vác không nổi, té quỵ là chuyện thường. Em gạt bùn trên mặt nói: "Dạ quen rồi, hổng có đau, ruộng đất không hà, té rồi đứng dậy thôi. Tụi con ráng vác phụ nội kiếm tiền mua đồ ăn".
Té rồi lại đứng, đứng rồi lại té tiếp, hai đứa nhỏ cứ loay hoay như vậy từ 7h sáng tới gần 14h mới về tắm, ăn cơm cho kịp tiết học lúc 17h. Khang năm nay học lớp 4, Ngân vừa lên lớp 1, hai em đều học lớp học tình thương cách xóm chài nghèo khoảng 500m.
Lục bình bà cháu phơi từ 7 - 10 ngày mới kịp khô để bán, mỗi chuyến kiếm được khoảng 200.000 đồng. Ngày nào có lục bình bán, bà nội cho Ngân và Khang 5.000 đồng đi học mua bánh, bữa nào chưa bán được, hai đứa nhỏ chỉ ráng ăn cơm thật no bụng tới lớp.
Hỏi về tương lai, Ngân và Khang đều lắc đầu kêu hổng biết, bà nội kế bên cũng chỉ gượng gạo cười: "Tui ngoài sáu chục rồi, hông biết chừng nào đi theo ba nó, tới đó thì tụi nó phải tự xử thôi, còn bây giờ ráng lo được chừng nào hay chừng đó", bà Vàng tâm sự.
Lúc chân còn mạnh, bà đã tập cho hai cháu mình bơi, chài lưới, chèo xuồng, những kỹ năng gì của dân xóm chài cần có Ngân và Khang đều biết hết. Đó cũng là yếu tố tối thiểu để hai đứa trẻ mồ côi tồn tại giữa những cánh đồng trắng nước như thế này.
Cách đó mấy bước chân, trong căn chòi lụp xụp vang lên tiếng cười giỡn của em Đỗ Ngọc Mai (5 tuổi) với đứa em chưa tròn một tuổi. Cha mẹ Mai đã đi đồng từ sáng, khoảng 17h mới về tới nhà, từ đầu mùa nước nổi tới nay, ngày nào Mai cũng phải ở nhà giữ em cho mẹ. Cô bé nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, luôn đề phòng người lạ, hễ thấy ai tới nhà liền hét to: "Cô chú kiếm ai vậy?".
Tranh thủ "cày cuốc" phụ cha mẹ đong gạo
Nhiều đứa trẻ hơn Mai chừng 5 tuổi, ba mẹ đã dắt đi đồng, như em Nguyễn Văn Lực mới 10 tuổi đang sửa soạn cùng cha đi chài lưới. Lực học ca sáng, hai tháng nay cứ về ăn cơm xong em lại cùng cha đánh vỏ lãi ra đồng cách đó cả cây số.
Anh Triều, cha Lực, cho biết trẻ em xóm này đi làm từ hồi còn nhỏ xíu, thậm chí nhiều bé mới mấy tháng tuổi cũng được mẹ dắt theo đi đồng vì ở nhà không ai giữ. "Mùa này là mùa tập trung mần cá kiếm tiền, dẫn nó đi theo phụ cho biết cực với cha mẹ", anh Triều chia sẻ.
Lực mới 10 tuổi đã biết chèo lái phụ cha, lưới có vướng cây hay rác gì em sẽ gỡ. Mùa nắng, Lực trên bờ đi vác lục bình như nhiều đứa trẻ trong xóm. Khi con nước lên, cha Lực "chiêu mộ" con về phụ đi mần cá.
Cha ngồi phía sau chạy máy, cậu bé nhỏ lắt léo phía trước tháo dây rồi cầm sẵn mái chèo. Động tác dứt khoát, đôi tay nhỏ xíu rám nắng của Lực đã phụ cha mình rất nhiều việc trong những ngày con nước vào đồng.
Hỏi có sợ té xuống nước không, cậu ngư dân bé nhỏ cười tự tin nói: "Con lội dữ lắm đó chú, hổng sợ gì đâu. Đi bắt cá vầy đỡ mệt hơn vác lục bình mà còn có cá ăn".
15h, xa xa ngoài đường lớn, mấy đứa nhỏ bán vé số trên thị xã Kiến Tường (cách xóm Việt kiều khoảng 15km) hay trên trung tâm huyện Vĩnh Hưng buổi sáng cũng quá giang xe đò về tới đầu xóm.
Thấy đứa nào thoăn thoắt cái chân, cười nói ríu rít khả năng cao là bán hết. Còn đứa nào dáng đi uể oải, mặt buồn so như em Nguyễn Văn Châu (12 tuổi) thì còn cả chục tờ, phải về thật nhanh tranh thủ đưa cha mẹ đem trả lại đại lý.
Mùa nước nổi này, dân trong vùng quanh xóm chài có thêm thu nhập, tụi con nít cũng tăng số lượng vé số thêm mấy chục tờ so với mùa khô. Chúng lắt léo chui vô mấy khu chợ, thấy chỗ nào người ta mua bán nhiều cá là sáp vô, kiểu gì cũng được ủng hộ vài tờ.
Mùa nước nổi này khó kiếm mấy đứa con nít giấc sáng trưa, nhưng buổi chiều chỉ cần ra bờ ruộng là thấy tụi nhỏ trong xóm ùa ra tắm đồng trước khi đi học. Hổng có những gương mặt buồn so, mệt nhừ vì công việc mà chỉ nghe ríu rít tiếng cười.
Mùa nước nổi trên ruộng cao đến ngực, tụi nhỏ phóng từ bờ ruộng xuống nước ầm ầm, cả từ trên chiếc vỏ lãi, nhiều đứa bơi giỏi trình diễn đủ thứ kiểu nhảy sông. Cả trai lẫn gái, đứa nào cũng nức nở mùa nước nổi tắm đồng là sướng nhất!
Tụi nhỏ còn tự đi vót tre, rồi xin cha mấy cọng dây cước và lưỡi câu cá. Đám trẻ xóm Việt kiều thường tranh thủ giờ nghỉ trưa của cha mẹ để mượn xuồng, chèo thoăn thoắt ra ngoài bờ ruộng lớn vung cần tìm mấy con cá rô, cá lóc đồng, vừa là niềm vui tuổi thơ vừa phụ được cha mẹ mưu sinh.
Chỉ vài tuần nữa, mùa nước nổi rút xuống, các cánh đồng bát ngát sẽ được gieo sạ. Đám trẻ Việt kiều Campuchia bớt bận bịu phụ cha mẹ kiếm cá mắm nhưng sẽ lại dang nắng đi bắt ốc, vớt lục bình, bán vé số để giúp người lớn đong đầy hũ gạo và các em được no bụng đến lớp học tình thương tìm con chữ…
----------------------
Hỏi bà con Việt kiều Campuchia mong mỏi gì, đa phần đều có câu trả lời chung: được làm giấy tờ để có thể đi làm ăn xa trong chính quê hương mình và đám trẻ được học hành cho tương lai đỡ luẩn quẩn với tay chài tay lưới như đời cha ông mình.
Kỳ tới: Ước mơ của bà con Việt kiều ở biên giới