Bước tiến quan trọng của nông sản Gia Lai trên hành trình ra thị trường quốc tế

Với mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho nông sản. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu bền vững.

Chìa khóa xuất khẩu nông sản

Với mục tiêu đưa nông sản Gia Lai vươn ra thị trường quốc tế, tỉnh đang đẩy mạnh việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực như cà phê, chanh dây, chuối, sầu riêng. Đây là bước đi quan trọng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và chất lượng theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành nông nghiệp và người dân, giá trị nông sản Gia Lai ngày càng được nâng cao, mở rộng cơ hội xuất khẩu và cải thiện thu nhập cho người dân. Mỗi mã số vùng trồng được cấp là thêm một bước tiến giúp nông sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Bước tiến quan trọng của nông sản Gia Lai trên hành trình ra thị trường quốc tế- Ảnh 1.

Mỗi vùng trồng được cấp mã số là thêm một cánh cửa mở ra cho nông sản tỉnh Gia Lai bước ra thị trường thế giới một cách bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2024, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt hơn 33.000ha, tăng gần 2,1 lần so với năm 2019. Sản lượng ước đạt khoảng 570.000 tấn, với mức tăng trưởng bình quân gần 37% mỗi năm. Trong đó, chuối là một trong những cây trồng chủ lực với diện tích gần 7.300ha, sản lượng khoảng 237.000 tấn.

Nhiều loại nông sản chủ lực như sầu riêng, chanh leo, chuối đã được cấp mã số vùng trồng, góp phần củng cố vị thế nông sản Gia Lai trên thị trường quốc tế.

Bước tiến quan trọng của nông sản Gia Lai trên hành trình ra thị trường quốc tế- Ảnh 2.

Mã số vùng trồng là công cụ quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp tại Gia Lai tích cực áp dụng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai thông tin, hiện toàn tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.600ha, cùng 38 cơ sở đóng gói nông sản có công suất khoảng 1.500 – 1.700 tấn quả tươi/ngày.

So với giai đoạn 2018 – 2022, khi tỉnh mới có 95 mã số vùng trồng và 22 cơ sở đóng gói, đây là bước phát triển đáng kể, cho thấy nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất – xuất khẩu của địa phương.

Hiện nay, nông sản Gia Lai đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế như Trung Quốc, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ.

Tiêu biểu, Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) là một trong những đơn vị tiên phong, với 3 mã số vùng trồng sầu riêng (124ha) và 3 mã số chanh leo (100ha), tạo nền tảng vững chắc để mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bước tiến quan trọng của nông sản Gia Lai trên hành trình ra thị trường quốc tế- Ảnh 3.

Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ,Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đăng ký thành công 3 mã số vùng trồng cho sầu riêng (diện tích 124ha).

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Việc được cấp mã số vùng trồng đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là chanh leo.

Hợp tác xã đã hợp tác chặt chẽ với Công ty Nafoods trong quá trình xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt sản lượng và ký kết thu mua với mức giá cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân".

Hướng đi mới trong nông nghiệp

Việc cấp mã vùng trồng đang được xem là hướng đi mới, mở ra cơ hội lớn cho nông nghiệp Gia Lai tiếp cận thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đây không chỉ là bước chuyển trong quản lý chất lượng nông sản, mà còn là nền tảng để Gia Lai xây dựng thương hiệu nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho hay, vùng trồng chuối của tập đoàn nằm trên vùng đất đỏ bazan ở độ cao trên 800m, điều kiện lý tưởng giúp chuối đạt chất lượng vượt trội.

Sản lượng chuối của tập đoàn đạt trên 200.000 tấn/năm, phần lớn được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mã số vùng trồng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, từ đó tăng giá trị sản phẩm và doanh thu cho công ty.

Bước tiến quan trọng của nông sản Gia Lai trên hành trình ra thị trường quốc tế- Ảnh 4.

Vùng nguyên liệu chuối của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) được xuất khẩu đi nhiều nước.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp Gia Lai.

Đầu tiên, mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản giữ đà tăng trưởng trước thách thức toàn cầuXuất khẩu nông sản sang EU: Rủi ro gia tăng trước loạt cảnh báo mớiKỳ vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 55 tỷ USD vào cuối năm 2024

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, mã số vùng trồng còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.

Các hộ dân được hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác khoa học, sử dụng hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhờ đó, giá trị nông sản được nâng lên, mang lại lợi nhuận ổn định và bền vững hơn cho người trồng.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh đã vượt mốc 150 triệu USD.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương vẫn đang đối mặt với những thách thức cần khắc phục, như sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ và cơ sở hạ tầng sau thu hoạch còn nhiều hạn chế.