Tiến trình 2nm của TSMC dù vẫn chưa chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt nhưng đã thu hút lượng đơn hàng vượt xa so với kỳ vọng. Theo nhiều nguồn tin từ chuỗi cung ứng Đài Loan, mức độ quan tâm dành cho node này thậm chí còn vượt qua cả tiến trình 3nm vốn đang là con át chủ bài hiện tại của công ty. Một số chuyên gia công nghiệp đã không ngần ngại ví đây là "cơn sốt vàng" tiếp theo của ngành bán dẫn toàn cầu.
Điểm nổi bật khiến tiến trình N2 trở nên hấp dẫn nằm ở việc TSMC chuyển sang sử dụng cấu trúc bóng bán dẫn GAAFET (Gate-All-Around Field-Effect Transistor) với thiết kế nanosheet mới. So với FinFET truyền thống, công nghệ này giúp các nhà sản xuất linh hoạt tối ưu hóa cho hiệu năng cao hoặc mức tiêu thụ điện thấp. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong thời đại AI và thiết bị di động siêu tiết kiệm điện.

Về mặt kỹ thuật, TSMC N2 được cho là sẽ mang lại mức cải thiện tốc độ xử lý khoảng 10 đến 15% so với tiến trình N3E - một bước tiến không nhỏ khi hiệu suất đã gần chạm đến giới hạn vật lý. Quan trọng hơn, mật độ lỗi (defect density) của node 2nm hiện đã ngang bằng với 3nm và 5nm, cho thấy quá trình hoàn thiện kỹ thuật diễn ra nhanh hơn dự kiến, mở đường cho sản xuất quy mô lớn vào cuối năm 2025.
Apple được cho là khách hàng lớn nhất sẽ sử dụng node 2nm, nhiều khả năng cho dòng iPhone 18. NVIDIA cũng có kế hoạch tích hợp tiến trình này trong các GPU thế hệ tiếp theo mang mã Vera Rubin. AMD hiện là hãng đầu tiên công bố sử dụng 2nm cho thế hệ vi xử lý Zen 6 Venice, khẳng định quyết tâm dẫn đầu về hiệu năng trong lĩnh vực CPU.
TSMC dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50.000 tấm wafer 2nm trong năm nay. Con số này có thể tăng gấp ba lần vào năm 2027 nhờ việc mở rộng các cơ sở sản xuất tại Đài Loan. Ngoài ra, nhà máy ở Arizona (Mỹ) cũng được lên kế hoạch bắt đầu sản xuất tiến trình 2nm vào năm 2028, giúp TSMC duy trì nguồn cung ổn định trong dài hạn.
Với danh sách khách hàng toàn những tên tuổi đầu ngành, bao gồm cả Apple, AMD và NVIDIA, TSMC có lẽ không cần lo về đầu ra. Thách thức hiện tại chỉ là đảm bảo đủ năng lực sản xuất để đáp ứng “cơn khát” chưa từng có đối với tiến trình 2nm.