Vì sao Facebook cũng không thể kiểm soát nhóm kín tục tĩu

Tính riêng tư của các nhóm kín đôi khi trở thành lá chắn cho những hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội. Ở đây, các trò đùa khiếm nhã, thô tục trở thành tiêu chuẩn "hài hước".
Mat trai nhom kin Facebook anh 1

Khi các mạng xã hội phát triển, không gian sinh hoạt cũng dần được chuyển lên các nền tảng. Những cuộc trò chuyện kín đáo không còn giới hạn trong các buổi gặp mặt trực tiếp. Kéo theo đó, các nhóm kín trên Facebook, Messenger, hay các diễn đàn thảo luận như Reddit được tạo ra để chia sẻ thông tin, sở thích chung giữa những người có cùng mối quan tâm.

Song, dưới lớp vỏ bọc của sự riêng tư và tự do ngôn luận, các hành vi như chế nhạo, công kích và thậm chí là quấy rối tình dục được bình thường hóa dưới hình thức "trò đùa vô hại".

Gần đây, một nhóm kín trên Facebook có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã bị phát hiện. Ở đó, các thành viên bàn luận về những trò đùa nhạy cảm, tục tĩu, có xu hướng thúc đẩy phân biệt giới. Vụ việc gây xôn xao dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về tác động của những nhóm kín thế này đối với cộng đồng.

Facebook bất lực trước "vườn địa đàng" của các nhóm kín

Facebook ra mắt tính năng Nhóm vào năm 2010, cho phép những người cùng sở thích giao lưu trong không gian riêng. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, sau bê bối Cambridge Analytica, Facebook mới bắt đầu chú trọng quảng bá tính năng này.

Hãng giúp các nhóm kín chiếm lĩnh news feed thông qua thuật toán "Facebook Zero". Nhờ đó, nội dung từ các nhóm có phạm vi tiếp cận 5,2% tốt hơn so với fanpage.

Tuy nhiên, "dây cương" kiểm soát của Facebook không theo kịp tốc độ phát triển này. Khi chuyển trọng tâm sang Nhóm, hãng bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào những quản trị viên, kiểm duyệt viên không lương “càn quét” nội dung độc hại trên nền tảng. Điều này giúp các nền tảng giảm bớt chi phí và trách nhiệm khi kiểm soát nội dung, trong khi vẫn giữ vững hình ảnh là “người bảo vệ tự do ngôn luận”.

Theo cuốn sách Custodians of the Internet: Platforms, Content Moderation, and the Hidden Decisions that Shape Social Media của Tarleton Gillespie, nhiều nhóm kín hoạt động trong tình trạng gần như “vô hình”.

Chỉ khi nào những hành vi này được báo cáo, các nền tảng mới can thiệp. Đôi khi sự can thiệp này đến quá muộn. Nền tảng này đã bị chỉ trích là tạo ra một "khoảng trống quản lý". Facebook dần đối diện với các vấn đề lớn khi nội dung phản cảm, không phù hợp bắt đầu lan rộng trong những không gian tưởng chừng như "an toàn" đó.

Mat trai nhom kin Facebook anh 2

Trong nhóm kín, các thành viên thường cảm thấy rằng họ đang thuộc về một cộng đồng có quan điểm chung. Điều này khiến họ dễ dàng tiếp thu và chấp nhận những hành vi sai trái. Ảnh: Shutterstock.

Thực tế cho thấy việc để các thành viên tự quản lý các nhóm kín này đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Sau các vụ xả súng đẫm máu tại Mỹ giai đoạn 2019-2020, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận đã cảnh báo về nguy cơ các nhóm kín trên Facebook trở thành "bãi đậu xe" cho những kẻ cực đoan. Đây là nơi mà các nhóm kích động bạo lực tụ tập, lên kế hoạch cho các hành động đáng sợ và thậm chí chia sẻ những tư tưởng chống đối xã hội.

Thuật toán cũng cho phép phong trào chống vaccine phát triển mạnh trên Facebook, với hàng trăm nhóm có hàng trăm nghìn thành viên trong nhiều năm liền.

Ngoài Facebook, một ví dụ điển hình là mạng xã hội Neihan Duanzi tại Trung Quốc với hơn 30 triệu người dùng. Đây là nơi người ta chia sẻ những video hài ngắn. Nhưng những nội dung tục tĩu và phản cảm đã dẫn đến việc chính quyền Trung Quốc phải đóng cửa ứng dụng này vào năm 2018. Điều này minh chứng cho sự thất bại trong việc kiểm soát nội dung của các cộng đồng kín với số lượng người dùng khổng lồ.

Sự lan truyền nhanh chóng của nội dung nhóm kín trên mạng xã hội cũng là một điểm đáng lo ngại. Với những nhóm có số lượng thành viên hàng nghìn hay hàng trăm nghìn người, "riêng tư" chỉ là một khái niệm mơ hồ.

Dù gọi là "kín", nhưng các nhóm này không hoàn toàn đảm bảo tính riêng tư như tên gọi. Với tính chất nhân bản, dễ tìm kiếm và lan truyền mạnh mẽ của nội dung trên mạng xã hội, bất cứ điều gì cũng có thể trở nên công khai chỉ trong nháy mắt.

Một câu chuyện, một bức ảnh, hay một đoạn video tưởng chừng như chỉ là trò vui trong một nhóm nhỏ, có thể dễ dàng lan truyền ra bên ngoài, trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi công khai.

Đơn cử như vụ bê bối tại Đại học Harvard vào năm 2017. Trường đã phải thu hồi quyết định nhập học của một nhóm sinh viên vì những trò đùa thô tục, phân biệt chủng tộc trong một nhóm Facebook kín. Những hình ảnh, meme phản cảm, thậm chí chế giễu lạm dụng trẻ em và các thảm kịch lịch sử như diệt chủng người Do Thái đã được lan truyền mà không có sự kiểm soát.

Để giải quyết vấn nạn trên, các mạng xã hội đã bắt đầu nhận thức được vấn đề và có những cải thiện nhất định trong việc kiểm soát nội dung trong các nhóm kín, như Facebook tăng cường các thuật toán tự động phát hiện nội dung vi phạm. Song, cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Khi những trò đùa vô hại trở thành tai hại

Trong bài nghiên cứu "Walled Gardens: The New Shape of the Public Internet" (tạm dịch: Khu vườn đóng: Hình hài mới của Internet công khai) của Nancy Paterson, các nhóm kín thường được ví như những "vườn địa đàng". Đây là nơi mà các chuẩn mực xã hội bên ngoài không còn được áp dụng.

Tham gia vào các nhóm kín, người ta dễ dàng có cảm giác “an toàn giả” và cho phép bản thân buông thả với các trò đùa thiếu suy nghĩ, nói những điều mà họ có thể không bao giờ dám thốt ra ngoài đời. Họ tin rằng mọi thứ chỉ dừng lại trong cộng đồng đó, rằng không ai ngoài nhóm sẽ biết được điều gì đang diễn ra.

Từ những "bức tường" kín, các nhóm này có thể trở thành những môi trường nuôi dưỡng các hành vi công kích, lạm dụng, mà ít gặp phải sự phản kháng. Khi các hành vi hạ nhục người khác, dù chỉ "cho vui", nhưng dần trở thành chuẩn mực.

Mat trai nhom kin Facebook anh 3

Quấy rối, phân biệt đối xử, bạo lực và kỳ thị trở thành những hành vi được bình thường hóa dưới lớp vỏ bọc của sự hài hước. Ảnh: Los Angeles Review of Books.

Trong tâm lý học, điều này được giải thích qua khái niệm "đánh mất cá nhân" (deindividuation) do nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger đặt nền móng năm 1952. Tức là khi một người trong đám đông, họ dễ mất đi cảm giác về danh tính cá nhân và hành động theo cách mà họ sẽ không làm khi đứng một mình.

Trong nhóm kín, sự ẩn danh hoặc ít nhất là cảm giác rằng mọi người trong nhóm đều giống mình khiến các cá nhân cảm thấy an toàn.

Khi các thành viên liên tục chia sẻ những trò đùa có tính chất phân biệt đối xử, quấy rối, họ không chỉ đơn thuần giải trí mà còn “trấn an” cho nhau rằng những hành vi đó là bình thường. Điều này được nhắc đến trong luận văn tiến sĩ "Not Just a Joke: Rape Culture in Internet Memes About #MeToo" (tạm dịch: Không chỉ là trò đùa: Văn hoá cưỡng hiếp trong ảnh chế Internet về phong trào #MeToo) của Maja Brandt Andreasen.

Các nhóm kín cũng là nơi dễ dàng hình thành một dạng tâm lý "echo chamber" (phòng vang) - khái niệm được Kathleen Hall Jamieson và Joseph N. Cappella đề cập trong cuốn Echo Chamber: Rush Limbaugh and the Conservative Media Establishment. Tức là những ý kiến trái chiều hoặc phản biện bị gạt ra, còn những quan điểm tiêu cực được củng cố.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hài hước, đặc biệt là những trò đùa có tính chất phân biệt giới tính, không chỉ là cách để thể hiện quan điểm cá nhân mà còn là công cụ để xây dựng các "cộng đồng" có giá trị và tư tưởng chung, định ranh giới giữa người “ngoài cộng đồng” và “thuộc về cộng đồng”.

Thực nghiệm của Giáo sư Stanley Milgram năm 1963 giải thích rằng khi ở trong những nhóm như vậy, con người dễ dàng rơi vào trạng thái "conformity" (phục tùng). Họ cảm thấy có áp lực phải hành xử giống như số đông, ngay cả khi hành vi đó trái với niềm tin và đạo đức của mình.

Với những nhóm kín trên mạng xã hội, khi thành viên vi phạm các quy tắc hoặc chuẩn mực của nhóm, họ cũng có thể trở thành đối tượng bị chỉ trích, như một cú "phản đòn". Việc chế nhạo và loại bỏ người vi phạm khỏi nhóm không chỉ là một hình thức "trừng phạt" mà còn là cách để duy trì sự đồng nhất của cộng đồng và đảm bảo rằng những người trong nhóm đều "đúng ý".

Nói cách khác, việc không tham gia vào các trò đùa tình dục có thể khiến một thành viên bị cô lập hoặc bị xem là không phù hợp. Điều này dẫn đến việc các thành viên, dù không đồng tình với những trò đùa này, vẫn phải giữ im lặng hoặc thậm chí tham gia để tránh bị loại khỏi cộng đồng.

Một vòng luẩn quẩn được tạo ra khi các thành viên bắt đầu đồng thuận với các trò đùa tình dục trong nhóm. Những hành vi thiếu chuẩn mực không chỉ được chấp nhận mà còn được truyền bá ra ngoài.

Lâu dần, họ dễ dàng bỏ qua những hậu quả nghiêm trọng của hành vi khiếm nhã, khiến mạng xã hội trở thành một nơi nguy hiểm cho những ai không tuân theo "luật chơi" của các nhóm kín.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.