Vai trò trung tâm của nhà xuất bản trong công cuộc xã hội hoá SGK

Với tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp, khẩn trương của nhà xuất bản, đến nay học sinh đã được học tập những cuốn SGK đảm bảo số lượng, chất lượng.

Trong 10 năm qua, từ khi có Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến nay, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK). Đây là một thành tựu của đổi mới giáo dục.

Để có được kết quả này có vai trò không nhỏ của các nhà xuất bản. Nhà xuất bản là nhân vật chính, trung tâm, là yếu tố có tính chất quyết định cho việc thành công của xã hội hóa SGK.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đóng góp công tác xã hội 31 tỷ đồng

Trách nhiệm, chuyên nghiệp, khẩn trương là những từ mà PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Thành viên HĐTV, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) nói về quá trình biên soạn SGK của NXBGDVN khi trao đổi với Người Đưa Tin.

"Khác với trước kia, khi thực hiện xã hội hóa thì toàn bộ các khâu để một cuốn SGK ra đời và đến tay học sinh đều do một mình nhà xuất bản chịu trách nhiệm. Do vậy, khối lượng công việc là không hề nhỏ", PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Vai trò trung tâm của nhà xuất bản trong công cuộc
xã hội hoá SGK- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nhìn nhận nhà xuất bản có vai trò trung tâm trong quá trình biên soạn sách giáo khoa xã hội hoá.

Lượng công việc tăng lên nhưng tiến độ thực hiện lại rất gấp gáp và liên tục. Chỉ trong 5 năm, nhà xuất bản phải hoàn thành toàn bộ SGK của 12 lớp. Chưa kể đến, vừa tổ chức tập huấn, giới thiệu SGK lớp trước, vừa thẩm định sách lớp sau.

Vì chất lượng từng trang SGK có ảnh hưởng lớn đến thế hệ học sinh nên đây là sản phẩm đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về cả về nhân lực, tài lực, vật lực.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: "Chỉ tính riêng phần nội dung, chúng tôi quy tụ được 985 tác giả, đây đều là các nhà khoa học uy tín, giáo sư, giảng viên đại học, thầy cô đang trực tiếp đứng lớp, những người am hiểu biên soạn SGK. Với đội ngũ biên tập phải được đào tạo đúng chuyên ngành, luôn tập trung cao độ đồng hành cùng các tác giả".

Việc làm SGK xã hội hóa cũng đòi hỏi nhà xuất bản phải có tiềm lực kinh tế. Cùng với đó là đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ cho khâu thiết kế.

Vai trò trung tâm của nhà xuất bản trong công cuộc
xã hội hoá SGK- Ảnh 2.

Để có một cuốn sách giáo khoa chất lượng cần sự nỗ lực của nhiều cá nhân, tổ chức.

Bằng tất cả sự nỗ lực trong thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng khẳng định, NXBGDVN đã hoàn thành nhiệm vụ lớn. Kết quả đến nay, Nhà xuất bản có 2 bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, riêng ở lớp 1 có thêm 2 bộ là Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

"Những bộ sách trên được đại đa số các cơ sở giáo dục trên toàn quốc lựa chọn sử dụng khẳng định chỗ đứng, chất lượng, có nhiều đổi mới về phương pháp giáo dục của SGK. Điều này góp phần tích cực thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng dạy học", PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Qua đây càng cho thấy uy tín, thương hiệu NXBGDVN, thể hiện sự nhanh chóng thích nghi trước bối cảnh mới.

Tại hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn SGK - một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.

Theo Thứ trưởng, trải qua những thách thức, đến thời điểm này, công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là hết sức đúng đắn.

Để tiếp tục làm tốt hơn công việc "mới, khó" với các nhà xuất bản, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn SGK thuộc thẩm quyền, chức năng; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để SGK đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp; tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ SGK cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai…