Ở tuổi 32, với Tracy Li, kết hôn và sinh con chưa bao giờ là những lựa chọn thiết yếu trong cuộc sống. Thay vì đi theo con đường truyền thống là lập gia đình như hầu hết thế hệ đi trước, nữ giám đốc nhân sự của một công ty tại Bắc Kinh lại ưa thích cuộc sống độc thân.
Cô không phải là trường hợp duy nhất. Một cuộc khảo sát với khoảng 3.000 cư dân thành thị vào tháng 10 năm 2021 cho thấy, gần 44% phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 18 đến 26 không có ý định kết hôn hoặc không chắc chắn về việc này trong tương lai.
"Chi phí sinh con và nuôi dạy một đứa trẻ rõ ràng là quá cao đối với phụ nữ, dẫn đến tỷ lệ sinh thấp trong xã hội hiện đại," Li chia sẻ, đề cập đến các khoản chi cho chăm sóc, giáo dục, cũng như thời gian và công sức để vun đắp cho một gia đình.

Nhờ những tiến bộ của công nghệ, quyết tâm và sự tự tin của cô khi đối mặt với những thách thức của cuộc sống độc thân ngày càng lớn. Li tin rằng, khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển, nó sẽ đáp ứng được các nhu cầu như bầu bạn về mặt tinh thần và chăm sóc người cao tuổi – những vai trò vốn do hôn nhân và con cái đảm nhiệm trong xã hội Trung Quốc.
“Ngay bây giờ, AI đã có thể bầu bạn về mặt cảm xúc. Khoảng 20 đến 30 năm nữa, khi thế hệ của tôi về già, tôi tin rằng robot chăm sóc người cao tuổi sẽ trở nên phổ biến và có giá cả phải chăng,” cô nói. “Tôi đang rất hy vọng quá trình phát triển robot chăm sóc sẽ được đẩy nhanh hơn nữa.”
Nghịch lý AI và dân số ở Trung Quốc
Theo SCMP, AI thường bị cho là nguyên nhân khiến tình trạng suy giảm dân số ở Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, bởi nó làm giảm động lực kết hôn và sinh con khi dần thay thế vai trò của con người trong việc bầu bạn và chăm sóc người lớn tuổi.
Li Jianxin, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh và là một nhà nghiên cứu nhân khẩu học uy tín, nhận định rằng cuộc cách mạng AI có khả năng định nghĩa lại hoàn toàn các khái niệm về sự sống, cái chết và cấu trúc gia đình.
Điều này có thể khiến những lo ngại truyền thống về suy giảm dân số trở nên lỗi thời – một quan điểm lạc quan đầy nghịch lý nhưng lại nhận được sự đồng tình của những người trẻ Trung Quốc như Tracy Li.

“Sự chung sống giữa con người và máy móc thông minh có thể làm thay đổi các mối quan hệ xã hội của loài người”, giáo sư Li Jianxin viết. “Tác động của kỷ nguyên AI sẽ vô cùng to lớn và mang tính cách mạng”.
Phần lớn thế giới đã bước vào giai đoạn có tỷ lệ sinh và tử thấp, kết quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa sâu rộng.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, quá trình này diễn ra dữ dội và nhanh chóng hơn nhiều do các quyết định chính sách kéo dài hàng thập kỷ – nổi bật nhất là chính sách một con được áp dụng từ cuối những năm 1970 và chỉ mới được bãi bỏ chưa đầy một thập kỷ trước.
Trung Quốc đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các nước phát triển, tạo ra sự mất cân bằng nhân khẩu học, đặt ra những thách thức kinh tế - xã hội lâu dài.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tính đến cuối năm ngoái, số người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã vượt mốc 300 triệu, chiếm 22% tổng dân số. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 28% vào năm 2040.
Những quan điểm trái chiều
Giới nhân khẩu học và kinh tế học vẫn đang tranh luận về cách AI sẽ định hình lại xã hội.
Theo bà Li Ting, giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, AI sẽ củng cố cấu trúc nhân khẩu học hiện tại của Trung Quốc theo hai hướng chính.
Theo đó, AI có thể khiến mọi người ít muốn kết hôn và sinh con hơn bằng cách cung cấp các hệ thống hỗ trợ dịch vụ tốt hơn. Đồng thời, những đột phá trong công nghệ y tế do AI thúc đẩy sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, càng làm sâu sắc thêm tình trạng già hóa dân số.
Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các thiết bị chăm sóc người cao tuổi thông minh. Được khuyến khích bởi chính sách và nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất robot Trung Quốc đang đổ xô vào lĩnh vực này.

Ví dụ, một robot chăm sóc người già thông minh ở Vô Tích có thể phát hiện người bị ngã và ngay lập tức gửi cảnh báo, cũng như theo dõi các chỉ số sức khỏe quan trọng trong khi ngủ.
Bà Li Ting cũng đưa ra một góc nhìn lạc quan rằng AI “có thể thay đổi căn bản mối quan hệ giữa dân số và tăng trưởng kinh tế.” Bà cho rằng công nghệ này có thể giúp giải quyết các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc bằng cách thay thế lao động chân tay và trí óc, cải thiện sức khỏe người cao tuổi, kéo dài thời gian làm việc và tăng cường đào tạo nghề.
Tuy nhiên, thực tế có thể phức tạp hơn. Giáo sư Li Jianxin cảnh báo rằng dù tuổi thọ tăng lên, thành tựu này cũng đi kèm với những thách thức và chi phí ngày càng lớn của một xã hội già hóa.
Một số chuyên gia còn cảnh báo về một kịch bản cực đoan: AI có thể gây ra sự sụt giảm dân số thảm khốc trên toàn cầu trong vài thế kỷ tới. Subhash Kak, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Bang Oklahoma, dự đoán dân số thế giới có thể giảm từ 8 tỷ hiện nay xuống dưới 100 triệu vào khoảng năm 2300 nếu xu hướng này tiếp diễn.

Khi AI khiến con người trở nên lỗi thời trong nhiều lĩnh vực, mọi người sẽ ngần ngại sinh con hơn, đặc biệt khi chi phí nuôi dạy một gia đình quá lớn. “Điều này sẽ tàn phá xã hội. Tôi nghĩ mọi người thực sự chưa hình dung được”, giáo sư Kak nói.
Trong khi đó, Huang Wenzheng, nhà nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa, lại bác bỏ quan điểm cho rằng AI có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp, gọi đó là “đặt cái cày trước con trâu.”
Ông lập luận rằng giá trị của con người không chỉ nằm ở sức lao động, mà còn ở sự tồn tại của họ. "Con người là độc nhất trong khả năng tạo ra nhu cầu, lan truyền gen và ngôn ngữ, và sinh ra những bộ não thông minh."
Ông Huang tin rằng quy mô dân số sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên AI, bởi sự phát triển công nghệ phụ thuộc vào nhiều dữ liệu, các "tình huống sử dụng" và nhu cầu hơn. Ông khẳng định, trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc hiện nay, quy mô dân số là "vấn đề sống còn".