Trailer phim Độc đạo
Suy nghĩ Hồng lúc đó được "thoại ra", đó cũng chính là thông điệp của bộ phim: "Thay vì bước đi dưới ánh mặt trời, tôi chọn con đường độc đạo này. Bóng tối không thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua đuổi hận thù".
Khán giả rơi nước mắt, nghĩ Hồng khó qua cơn nguy hiểm. Thế nhưng sau đó, ở những phút cuối cùng, số phận Hồng được bẻ ngoặt. Bản án dành cho Tân "khẹc" là 3 năm tù và trả viện phí cho Hồng. Chứng tỏ Hồng có thể không chết. Khán giả thở phào.
Độc đạo là phim hình sự Việt hiếm hoi thu hút khán giả xem, bình luận nhiều - Ảnh: ĐPCC
5 năm nên một bộ phim
Nhìn mặt bằng chung, phim hình sự Việt đang lọt thỏm trong rừng phim tình cảm gia đình. Năm 2024, chỉ có vài phim phát sóng như VTV3 phát sóng phim Độc đạo, SCTV14 có phim Phía sau cái chết, Nữ luật sư, Báo thù.
Trên THVL1 bộ phim Người thầm lặng kéo dài từ năm 2023 đến 2024. Phim số lượng không nhiều và tạo dư luận như Độc đạo lại càng hiếm.
Lý giải phim hình sự Việt chưa gây được chú ý, đạo diễn Dũng Nghệ - người thực hiện khá nhiều phim hình sự - cho biết:
"Làm phim hình sự ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế vì các nhà làm phim phải xây dựng câu chuyện trong phạm vi pháp luật, không ảnh hưởng đến hình tượng người chiến sĩ công an, nên dẫn tới cách xây dựng tính cách tâm lý nhân vật chưa phong phú.
Ngoài ra vì kinh phí sản xuất thấp nên đạo diễn gặp rất nhiều khó khăn trong dàn dựng, nhiều khi phải bỏ đi những cảnh có yếu tố hành động, thứ gia vị không thể thiếu trong phim hình sự. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức hấp dẫn của phim".
Còn theo đạo diễn Đinh Thái Thụy: "Mấu chốt vẫn là kinh phí đầu tư. Dòng phim này gần như mặc định có quy mô sản xuất phức tạp và tốn kém hơn so với các đề tài khác.
Phim hình sự đặt các nhà đầu tư, sản xuất vào tình thế phải cân đối giữa nguồn kinh phí chi ra và thu về để đảm bảo lợi nhuận, duy trì tái sản xuất".
Yếu tố quan trọng nhất cho một phim hình sự, theo đạo diễn Đinh Thái Thụy và Dũng Nghệ, là kịch bản.
Một ý tưởng độc đáo, sinh động, ly kỳ là tiền đề quan trọng để đạo diễn có nghề cùng các diễn viên và ê kíp chuyên nghiệp đủ sức tạo bộ phim thuyết phục khán giả.
Như để làm ra được 36 tập phim Độc đạo, ê kíp sản xuất đã mất gần năm năm. Có tập viết lại 14 lần mới hoàn chỉnh.
Khi ra phim trường lại tiếp tục sàng lọc. "Có trường hợp ra phim trường diễn viên đọc kịch bản bẻ lại, bảo ngoài đời sẽ không nói như vậy, chúng tôi lại ngồi sửa sao cho hợp lý", đạo diễn Trần Trọng Khôi của Độc đạo (đồng đạo diễn Phạm Gia Phương) chia sẻ.
Trần Trọng Khôi cho biết ban đầu kịch bản phim nào cũng có nhiều sạn và sơ hở. Quan trọng là mọi người phải cùng nhau lọc hết sạn ấy trước khi đến với khán giả. Điều này đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc, chỉn chu.
"Tôi tin với kịch bản kỹ lưỡng cộng với ê kíp sản xuất tốt và chuyên nghiệp, nghiêm khắc với công việc, diễn viên hợp vai, hết mình... phim chắc chắn sẽ thu hút khán giả", đạo diễn Trần Trọng Khôi kết luận.
Trên đời chẳng có gì là sẵn cả
Nhiều ý kiến cho rằng Độc đạo hấp dẫn do có kịch bản gốc từ phim nước ngoài One way out của Colombia sản xuất năm 2019. Đạo diễn Trần Trọng Khôi bảo anh thấy vừa buồn vừa vui.
"Đúng là khởi đầu phim có bản quyền nước ngoài, nhưng tôi cũng thấy vui là khả năng sáng tạo của ê kíp làm nội dung phim.
Chúng tôi sáu người từ phó giám đốc của Hãng VFC đến biên kịch, đạo diễn ngồi lại với nhau liên tục để sáng tạo, tranh luận, thậm chí phản bác, cãi nhau suốt một năm trời.
Trước đó, biên kịch viết đi viết lại trong ba năm nữa. Như vậy gần năm năm chúng tôi sáng tạo và kiên nhẫn với dự án mới hoàn thành phim..
Trên đời chẳng có gì là sẵn cả. Làm phim không giống như mua cái điện thoại xong rồi xài. Phim phải làm mới thay đổi tình tiết logic, thậm chí cây kim sợi chỉ cũng phải phù hợp với cuộc sống của người Việt Nam", Trần Trọng Khôi nói.