Triển khai hiệu quả quy hoạch TP.HCM, hàng loạt công trình lớn sẽ được đầu tư

Ngày 4-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và trao quyết định phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo TP.HCM.
Triển khai hiệu quả quy hoạch - Ảnh 1.

Huyện Nhà Bè được quy hoạch phát triển là khu đô thị vệ tinh của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện quy hoạch

Huyện Cần Giờ sẽ phát triển là khu đô thị vệ tinh (đô thị sinh thái biển) của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ triển khai hiệu quả

Công bố quy hoạch TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 TP.HCM cần huy động khoảng 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 1,1 triệu tỉ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỉ đồng.

Theo ông Mãi, một trong những giải pháp chính để thực hiện hiệu quả quy hoạch là huy động, sử dụng nguồn lực và thu hút đầu tư.

Cùng với đó TP.HCM sẽ phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường. TP cũng sẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn và quản lý, phát triển bền vững đô thị, nông thôn.

Về các dự án trọng tâm thực hiện trong kỳ quy hoạch, ông Mãi cho hay về dự án giao thông sẽ tập trung làm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và 4 cây cầu lớn (cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2).

Đồng thời đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ, 7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội, Phú Thuận.

Trong khi đó ở lĩnh vực khoa học công nghệ, TP.HCM ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức.

Tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, An Phú và cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới Sơn B, nhà máy điện LNG Hiệp Phước, trung tâm công nghệ sinh học quốc gia.

Riêng ở lĩnh vực đô thị, TP.HCM ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Ngoài ra còn một dự án lớn khác như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ - triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ ngày công bố quy hoạch là ngày đặc biệt, niềm vui lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng cho nhân dân TP.HCM năm mới. "Chúng tôi xem đây là món quà lì xì có giá trị lớn nhất từ trước đến nay với TP, đặc biệt đúng dịp 50 năm. Bởi đây là món nợ của TP.HCM phải trả".

Ông Nên nhìn nhận khi có quy hoạch đi theo đó sẽ giải quyết nhiều vấn đề như quy hoạch phát triển hành lang bờ sông Sài Gòn, bán đảo Thanh Đa và Thủ Thiêm, cảng biển Cần Giờ, trung tâm tài chính…

Cùng với việc Thủ tướng nghe để xử lý tồn đọng, vướng mắc của các dự án mà TP.HCM không thể tự quyết đều là vấn đề lớn, có giá trị quý báu với TP.HCM.

Ông Nên nhìn nhận quy hoạch là một quá trình nỗ lực phấn đấu, quyết tâm làm nhiều công đoạn, nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều nhà tư vấn cùng tham gia với nhiều thủ tục không thể rút ngắn được, muốn cũng không được.

TP.HCM sẽ tiếp thu và khẩn trương làm một số việc để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thủ tướng. Cùng với đó tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp tổng thể, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển TP gắn với phát triển vùng.

Trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, triển khai quy hoạch theo các phân khu như quy định. Từ đó khơi thông và tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, xây dựng hạ tầng, tạo động lực để TP.HCM bứt phá trong giai đoạn tới.

Triển khai hiệu quả quy hoạch - Ảnh 3.

Tổng hợp: T.LONG - Đồ họa: N.KH.

Thủ tướng đề nghị ông Phạm Nhật Vượng làm tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận điểm nghẽn, thách thức lớn của TP.HCM là thành phố đất chật người đông. Do vậy quy hoạch phải định hướng mở rộng không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

"Tôi có trao đổi với anh Vượng Vingroup (tỉ phú Phạm Nhật Vượng - PV) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa".

Từ việc này, Thủ tướng gợi ý: "Mình phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn, tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch".

Chúng tôi nhận thức làm quy hoạch đã khó, tổ chức thực hiện quản lý hiệu quả càng khó. TP.HCM sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn, có đủ niềm tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo từ Thủ tướng, các phó thủ tướng và sự hỗ trợ của các bộ ngành, sự đồng tâm hiệp lực của các tỉnh trong vùng, TP.HCM sẽ nhanh chóng triển khai và thực hiện có hiệu quả quy hoạch trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Quyết liệt tháo gỡ các dự án vướng mắc

Triển khai hiệu quả quy hoạch - Ảnh 3.

“Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (giai đoạn 1)" là dự án trọng điểm của TP nhưng đã kéo dài nhiều năm. Trong ảnh là cống Mương Chuối - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin theo rà soát đến 31-12-2024, TP.HCM có khoảng 200 công trình, dự án tồn đọng. Ông Mãi trực tiếp báo cáo 12 dự án có vướng mắc, xin chủ trương tháo gỡ.

Trong đó có 6 dự án kiến nghị Thủ tướng gồm: dự án khu đô thị đại học quốc tế, dự án Saigon Sports City, dự án Saigon Center 4, Saigon Center 5, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) và dự án chống ngập.

Riêng với dự án chống ngập, ông Mãi cho hay dự án đã tạm ngưng thi công từ năm 2020 và khối lượng đến nay đã đạt được 90%.

Tại thời điểm ký hợp đồng năm 2015, quy định về lập chủ trương đầu tư chưa rõ ràng. Sau đó dự án có vướng mắc, vấn đề đặt ra cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư hay không.

Theo ông Mãi, tình hình ngập lụt ở TP.HCM được nhân dân và báo chí phản ánh rất nhiều, lãnh đạo trung ương và TP rất sốt ruột, đặt ra yêu cầu phải tháo gỡ nhanh cho dự án.

Tuy nhiên, hiện nay dự án không có kinh phí để thực hiện, TP đề xuất Chính phủ có chủ trương cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để BIDV cho chủ đầu tư vay lãi suất ưu đãi để tiếp tục thực hiện dự án.

Mặt khác TP đề nghị Thủ tướng cho chủ trương giao lại cho UBND TP.HCM điều chỉnh dự án căn cứ các quy định và không đặt vấn đề phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất cho sử dụng 3 quỹ đất đã được xác định để thanh toán cho chủ đầu tư, phần còn lại thanh toán bằng ngân sách đầu tư công.

Phát biểu chỉ đạo sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đề xuất điều chỉnh nhiều thể chế để tháo gỡ các dự án tồn đọng trên cả nước, trong đó có đề xuất "1 luật sửa 9 luật", "1 luật sửa 4 luật" và nhiều đề xuất đã được Quốc hội ủng hộ, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho các dự án.

Liên quan đến nhóm 12 dự án vướng mắc TP.HCM đề xuất, Thủ tướng cho biết dự án khu đô thị đại học quốc tế ở xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) đã có đầu ra cho TP.HCM. Với 5 dự án còn lại, Chính phủ sẽ cùng với các bộ ngành và TP.HCM đề xuất điều chỉnh, bổ sung lại thể chế.

Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án trước ngày 15-1. Có cơ sở này, TP.HCM sẽ thuận lợi hơn khi giải quyết tồn đọng, vướng mắc cho các dự án.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phân loại 200 dự án vướng mắc, tồn đọng để đề xuất phương án xử lý theo các luật mới ban hành, vận dụng nghị quyết 98 và các nghị định của Chính phủ. Trong đó xác định thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, phân loại để đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Với các dự án bất động sản tồn đọng, hiện TP.HCM đã xử lý 34 dự án, còn lại 32 dự án. Thủ tướng đề nghị TP.HCM nghiên cứu các kinh nghiệm xử lý các dự án trước đó để đề ra phương án giải quyết và báo cáo nếu vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng; còn những dự án vướng quy định pháp luật phải báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội tháo gỡ.

Với những dự án chưa có tiền lệ, cần nghiên cứu các quy định để xử lý và đề xuất tháo gỡ các quy định vướng mắc, không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Triển khai hiệu quả quy hoạch - Ảnh 5.Thủ tướng: Quy hoạch TP.HCM đã nghĩ sâu làm lớn, bây giờ thực hiện sao cho ra của cải, vật chất

Thủ tướng bày tỏ điều cần đặc biệt quan tâm là thực hiện quy hoạch như thế nào để tạo ra của cải vật chất, và cuối cùng người dân phải được hưởng lợi từ việc thực hiện quy hoạch, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.