
Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: GIA HÂN
Trong đó ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục".
"Bộ tứ trụ cột" để giúp Việt Nam cất cánh
Nhấn mạnh các thành tựu đạt được, song Tổng Bí thư nhấn mạnh "không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ" và những đổi mới, cải cách đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.
Những đổi mới, cải cách, theo Tổng Bí thư, tập trung vào bốn "đột phá" là nghị quyết 57 thúc đẩy
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: GIA HÂN
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất"
Tổng Bí thư điểm lại tinh thần cốt lõi nhất của nghị quyết 68. Trong đó phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia.
Dẫn lại việc một quận, huyện của Hà Nội, TP.HCM như Hoàn Kiếm nhưng thu ngân sách cao hơn 2-3 lần một tỉnh, Tổng Bí thư nói nguyên nhân chính là các quận, huyện này dựa vào doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh, dịch vụ.
Ông cho biết có tỉnh rất nhiều tiềm năng nhưng không sản xuất, không kinh doanh được, không phát triển được doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu dựa vào đầu tư công.
"Có cán bộ nói với tôi, con đường phát triển của tỉnh chủ yếu dựa vào xin ngân sách Trung ương, xin kế hoạch. Phụ thuộc như thế thì không phát triển được.
Tiền trong dân rất nhiều, tiền dân gửi ngân hàng rất nhiều nhưng tỉnh không tiêu được. Người dân không biết sản xuất, kinh doanh, không mở được doanh nghiệp, tỉnh làm sao thu được thuế, còn người dân rất vất vả", Tổng Bí thư nói và cho rằng đây là bài học đáng suy ngẫm.
Ông cho rằng những tỉnh nghèo đều do doanh nghiệp không phát triển được. Vì thực tế chỉ cần một doanh nghiệp lớn có thể đóng góp hàng chục ngàn tỉ đồng cho nguồn thu của tỉnh.
Đó là lý do Tổng Bí thư nhấn mạnh các địa phương cần chú trọng phát triển doanh nghiệp để tăng nguồn thu.
Ông đánh giá nghị quyết 68 đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ việc "thừa nhận" sang "bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy", từ "bổ trợ" sang "dẫn dắt phát triển".
"Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI", ông khẳng định.
Về tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tổng Bí thư cho biết nghị quyết 57 xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo Tổng Bí thư, muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài con đường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nghị quyết 66 đã xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với nghị quyết 59 là kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc hội nhập quốc tế kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo ông, nhiệm vụ đặt ra tại 4 nghị quyết nói trên cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới.
Trong đó năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới. Do đó nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.
Vì vậy cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá.
Ông đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần nghị quyết 66.
Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân...
Tổng Bí thư cho rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước.
"Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045", Tổng Bí thư kêu gọi.
