Tối ngày 5/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tiếp tục leo cao và lập kỷ lục mới. Cụ thể, giá vàng giao ngay đã đạt 2.870 USD/ounce, tăng khoảng 30 USD/ounce trong ngày hôm nay. Hợp đồng vàng tháng 4 thậm chí tăng lên tới 2.895 USD/ounce.
Nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục đẩy kim loại quý này vào vùng giá chưa từng có. Các nhà giao dịch và nhà đầu tư vẫn lo lắng trước các chính sách khó lường và có khả năng gây gián đoạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khi cả hai quốc gia trong tuần này đã tăng thuế quan và thực hiện các biện pháp kinh doanh thù địch đối với nhau.
Các động thái chính sách gần đây của ông Trump đã làm lu mờ các báo cáo kinh tế định kỳ của Mỹ. Vào thứ Sáu tuần này, báo cáo tình hình việc làm tháng 1 của Mỹ sẽ được công bố, với số lượng việc làm phi nông nghiệp dự kiến tăng 169.000, so với mức tăng 256.000 trong báo cáo tháng 12/2024. Ngay cả khi thị trường lao động Mỹ tỏ ra bền bỉ hơn so với kỳ vọng, vàng vẫn tăng không ngừng, đánh dấu 5 ngày liên tiếp lập kỷ lục. Thị trường vàng dường như không quá quan tâm đến dữ liệu kinh tế, bởi kim loại quý này vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn quan trọng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng.
Trong báo cáo thường niên quý IV về "Xu hướng Nhu cầu Vàng" công bố vào thứ Tư, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết tổng nhu cầu vàng vật chất trong năm đạt 4.974 tấn, mức cao kỷ lục. Báo cáo nhấn mạnh rằng nhu cầu kỷ lục đã góp phần đẩy giá vàng lên các đỉnh lịch sử liên tiếp. “Sự kết hợp giữa giá vàng kỷ lục và sản lượng giao dịch đã tạo ra giá trị thị trường 111 tỷ USD trong quý IV. Nhờ đó, tổng giá trị thị trường năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 382 tỷ USD,” báo cáo cho biết.
Ngoài nhu cầu từ ngân hàng trung ương, báo cáo cũng cho thấy nhu cầu của các nhà đầu tư vào vàng đạt mức cao nhất trong bốn năm qua. Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại WGC, cho biết dữ liệu tiêu thụ tiếp tục khẳng định rằng vàng đã củng cố vị thế là một tài sản tài chính quan trọng trên toàn cầu. “Các lý do để nắm giữ vàng ngày càng rõ ràng và được hiểu sâu rộng,” ông nhận định. “Khi xét đến nhu cầu từ ngân hàng trung ương, động cơ sở hữu vàng của họ vẫn rất mạnh. Gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng và tình hình địa chính trị biến động lớn cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng.”
Nhìn về tương lai, ông Cavatoni cho rằng sự bất ổn địa chính trị gia tăng do chính quyền mới của ông Trump có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương.