Thương hiệu dính cú 'bom hàng thế kỷ' đón tin vui sau thỏa thuận Mỹ - Trung

Việc Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm là tin vui đối với nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ.

Theo Reuters, trong tuần này, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo cho các hãng hàng không và cơ quan Chính phủ rằng việc tiếp nhận máy bay do Mỹ sản xuất có thể tiếp tục, sau nhiều tuần bị đình trệ. Một số hãng hàng không được trao quyền tự quyết về thời điểm và điều kiện tiếp nhận, tùy theo kế hoạch riêng.

Động thái này lập tức mang lại lợi thế cho Boeing, hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ.

Thỏa thuận mới nhất giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bao gồm việc Mỹ giảm thuế từ 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày, trong khi Trung Quốc hạ thuế từ 125% xuống còn 10% đối với hàng hóa Mỹ. Dù vậy, giới quan sát cảnh báo rằng việc nối lại hoạt động giao hàng chỉ là tạm thời, trừ khi hai bên đạt được giải pháp lâu dài trong khoảng thời gian “đình chiến”.

Trước đó, Boeing được gọi là "nạn nhân" của thuế quan, khi Trung Quốc trả đũa các mức thuế của Tổng thống Donald Trump. Ít nhất ba máy bay phản lực tại trung tâm giao hàng của Boeing ở Trung Quốc đã được trả lại cho Mỹ.

Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu phát tín hiệu “hạ nhiệt” khi tuyên bố sẵn sàng hợp tác trở lại với doanh nghiệp Mỹ và gỡ bỏ thuế cao đối với một số mặt hàng như thiết bị y tế, hóa chất công nghiệp và thuê máy bay. Tuy lệnh cấm đã được gỡ bỏ, thời gian nhận máy bay cụ thể vẫn chưa được xác định, do còn phụ thuộc vào kế hoạch của các hãng hàng không trong nước.

Hiện Boeing có khoảng 50 máy bay dự kiến giao cho Trung Quốc trong năm nay, trong đó có 41 chiếc đang được sản xuất hoặc lắp ráp sẵn. Việc nối lại đơn hàng giúp hãng tránh được việc tìm khách hàng thay thế, đồng thời đảm bảo nguồn thu ổn định khi máy bay được bàn giao.

Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 20% nhu cầu máy bay toàn cầu trong 20 năm tới. Năm 2018, gần 1/4 lượng máy bay xuất xưởng của Boeing được giao cho thị trường này. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại cùng với các sự cố kỹ thuật đã khiến Boeing mất đơn hàng lớn vào tay đối thủ Airbus của châu Âu.

Việc nối lại giao hàng sang Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nhà Trắng công bố thỏa thuận thương mại với Anh, bao gồm đơn hàng 32 chiếc Boeing 787-10 Dreamliner trị giá 10 tỷ USD cho hãng British Airways – cho thấy vai trò ngày càng mang tính chiến lược của Boeing trong ngoại giao thương mại Mỹ.