Tháo điểm nghẽn, thúc đẩy cơ chế đặc thù cho văn hóa phát triển bền vững

Bộ VH-TT&DL đang xây dựng cơ chế đặc thù để trình Chính phủ phê duyệt dự án Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035, hướng tới tháo gỡ điểm nghẽn và tạo bước đột phá trong lĩnh vực văn hóa.

Ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ về việc rà soát, đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã có quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình. 

Vụ Kế hoạch, Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù dành riêng cho chương trình và có tính tương đồng cơ chế, chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Việc đề xuất cơ chế, chính sách, quy trình thực hiện nhằm đảm bảo khi Chương trình được phê duyệt thì có thể triển khai ngay.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được phê duyệt tại Nghị quyết số 162/2024/QH15, Bộ VH-TT&DL đã nỗ lực và quyết tâm triển khai xây dựng các nội dung, nhiệm vụ được giao. 

Tháo điểm nghẽn, thúc đẩy cơ chế đặc thù cho văn hóa phát triển bền vững- Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp.

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để xin ý kiến các địa phương và các Bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, qua báo cáo của các đơn vị, Bộ VH-TT&DL nhận thấy còn có một số điểm nghẽn, nội dung băn khoăn, nhất là về cơ chế, chính sách đặc thù triển khai thực hiện Chương trình.

Tại cuộc họp, các đơn vị đã tham gia góp ý kiến, trao đổi để xác định rõ trách nhiệm, nội dung và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù theo nhiệm vụ phân công đối với từng lĩnh vực của ngành.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) chia sẻ, nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện Chương trình, rất nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ như trong lĩnh vực điện ảnh, câu chuyện đầu tư như thế nào cho một tác phẩm đỉnh cao, một kịch bản tốt, hay cơ chế dành cho quảng bá, tuyên truyền, phát hành và phổ biến phim ra sao… Đây là những vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo cho ra đời những tác phẩm điện ảnh thực sự chất lượng, thu hút và thúc đẩy các thành phần sáng tạo.

"Có một thực tế cũng rất cần được tháo gỡ bằng các chính sách, cơ chế đặc thù như sự xuống cấp trầm trọng của hệ thống rạp chiếu phim tại hầu hết các địa phương; hoặc không gian biểu diễn cũ kỹ, không đảm bảo của các đoàn nghệ thuật ở nhiều tỉnh, thành… 

Điều này đặt ra vấn đề cần thay đổi như thế nào để những mục tiêu của Chương trình được triển khai hiệu quả. Đây cũng chính là thời điểm, cơ hội để từng lĩnh vực nêu lên những đề xuất thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ những bất cập", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Các nhà văn Hà Nội hành hương về cội nguồn, truyền lửa sáng tác văn hóaPhát triển công nghiệp văn hóa: Hà Nội cần cơ chế đột phá và đầu tư chiến lược

Về lĩnh vực văn hóa dân tộc, ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đề xuất 3 cơ chế đặc thù gồm: Đề xuất được chỉ định thầu đối với các gói thầu liên quan đến bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đề xuất có cơ chế cho phép sử dụng kinh phí trong việc mua sắm, sưu tầm các đồ dùng, dụng cụ, đặc biệt là các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc để thuận lợi trong bảo tồn giá trị văn hóa; Đề xuất có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân và những người có uy tín, người đang nắm giữ tri thức văn hóa của đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng có 02 đề xuất bổ sung về nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa gồm: Xây dựng và triển khai mô hình giáo dục trải nghiệm về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và trên nền tảng số; Bảo tồn các làng bản và ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và những nội dung đã trao đổi, khẩn trương tổng hợp các đề xuất, kiến nghị theo nội dung dự án đã được phân công, gửi về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ vào chiều ngày 20/5/2025, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.