Tháo điểm nghẽn thị trường bất động sản

“Có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản (BĐS), thị trường vốn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tăng nhanh nguồn cung”.

Đó là một trong những giải pháp mạnh được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đầu năm 2025, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số.

Chỉ đạo trên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường BĐS đối với sự phát triển của nền kinh tế. Trước đó, nhiều nghiên cứu cho thấy thị trường BĐS Việt Nam đóng góp trực tiếp khoảng 3,5% vào GDP và gián tiếp lên tới 7,62% khi tính đến các ngành liên quan như xây dựng, du lịch, lưu trú, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những đóng góp có xu hướng giảm mạnh do thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hàng ngàn dự án đang bị ách tắc. Riêng Hà Nội có 404 dự án, hiện mới xử lý được 158 dự án, còn 246 dự án tiếp tục chờ đợi “cởi trói”. Tại TPHCM, có đến 220 dự án vướng mắc, trong đó mới xử lý 77 dự án, còn 143 dự án đang được tiếp tục xử lý.

Mới đây nhất, tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn các dự án đầu tư của TPHCM đã giải quyết vướng mắc pháp lý cho 30 dự án, trong đó có 8 dự án được giải quyết hoàn toàn. Con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế là có đến 86 dự án nhà ở thương mại đang ngưng thi công hoặc chưa triển khai do vướng mắc pháp lý.

Bên cạnh các dự án bị đình trệ, việc phê duyệt các dự án BĐS mới cũng rất nhỏ giọt, chỉ khoảng 20 dự án/quý trong cả nước. Các vướng mắc chủ yếu nằm ở cách xác định tiền sử dụng đất, tiền đền bù và giải phóng mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch của dự án; hoạt động thanh tra, kiểm tra của các địa phương sau khi một số chủ đầu tư vi phạm pháp luật khiến quá trình quy hoạch lâu hơn; một số tỉnh, thành phố điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể dẫn đến các dự án phải tạm ngưng để quy hoạch lại; “sức khỏe” tài chính của các doanh nghiệp suy giảm khiến khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế...

Việc đình trệ các dự án BĐS không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, tạo ra sự lệch pha trong phân khúc thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng liên tục trong thời gian qua, vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thấp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS lại phải chịu áp lực đáo hạn trái phiếu, lên tới khoảng 180.000 tỷ đồng trong năm 2025. Việc bị “chôn” vốn khiến nhiều doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh, đối mặt “sinh tử”!

Trong bối cảnh đó, tìm kiếm cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí trong lĩnh vực BĐS là chỉ đạo hết sức cần thiết và kịp thời. Quyết tâm “cởi trói” cho thị trường BĐS đã có, nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Hiện Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 cùng các văn bản hướng dẫn đã có dư thời gian “thẩm thấu”, tháo gỡ các khó khăn cho thị trường BĐS, từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa các quy định và tạo ra một cơ chế hợp lý, minh bạch hơn cho các dự án. Song, các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn thực thi thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc triển khai các quy định pháp luật mới sớm đi vào cuộc sống.

Đi cùng đó là rà soát lại các dự án đang gặp vướng mắc hoặc đình trệ để xây dựng kế hoạch tháo gỡ một cách có hệ thống và đề xuất các kiến nghị cụ thể cho từng dự án. Tháo gỡ các vướng mắc, thị trường BĐS sẽ tăng nguồn cung, điều tiết giá cả nhà đất trở về gần hơn với giá trị thực, đặc biệt sẽ tác động mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển.