Thanh thiếu niên dính bẫy lừa đảo trực tuyến nhiều hơn vì AI

Một nghiên cứu mới cho biết, ngày càng nhiều thanh thiếu niên Mỹ bị lừa vì những hình ảnh, video và nội dung do AI tạo ra.

CNN dẫn nghiên cứu của nhóm vận động phi lợi nhuận Common Sense Media, cho biết, AI khiến nhiều nội dung giả mạo được tạo ra dễ dàng và ngày càng có  nhiều thanh thiếu niên dính bẫy lừa đảo trực tuyến vì những nội dung này. 

Common Sense Media đã hỏi 1.000 thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi tại Mỹ về trải nghiệm với các nội dung do AI tạo ra trên các phương tiện truyền thông. Kết quả cho thấy, khoảng 35% báo cáo bị lừa bởi nội dung giả mạo trực tuyến.  41% cho biết, đã gặp phải nội dung là thật nhưng lại gây hiểu lầm và 22% cho biết họ đã chia sẻ thông tin ha ra là giả mạo.

Thanh thiếu niên dính bẫy lừa đảo trực tuyến nhiều hơn vì AI- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xu hướng chia sẻ thông tin giả hay bị lừa vì những nội dung sai lệch xuất hiện ngày càng nhiều khi chính các bạn trẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách dễ dàng trong những năm gần đây. 

Một nghiên cứu của Common Sense vào tháng 9 năm ngoái cho thấy, 7 trong số 10 thanh thiếu niên đã ít nhất một lần thử dùng AI để tạo ra các nội dung trực tuyến.

Hai năm sau khi ChatGPT ra mắt, đấu trường AI ngày càng trở nên đông đúc, đặc biệt với sự xuất hiện gây ồn ào của DeepSeek ngay những ngày đầu năm.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào tháng 7/2024 từ Đại học Washington và Đại học Waterloo, với các mô hình tiến tiến hàng đầu vẫn có hiện tượng "ảo giác AI". Nghĩa là, vẫn có những thông tin sai lệch "hư không" được tạo ra từ những mô hình được xem là thông minh nhất. 

Cũng theo nghiên cứu của Common Sense, nhiều thanh thiếu niên gặp phải những nội dung trực tuyến sai lệch cho biết, AI làm trầm trọng thêm việc xác minh thông tin của họ. 

Cuộc khảo sát cũng cho thấy suy nghĩ của thanh thiếu niên Mỹ về các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó bao gồm Google, Apple, Meta, TikTok và Microsoft. Theo nghiên cứu, gần một nửa thanh thiếu niên không tin tưởng Big Tech sẽ đưa ra quyết định có trách nhiệm về cách họ sử dụng AI.

"Sự dễ dàng và tốc độ mà AI tạo ra nội dung cho phép người dùng hàng ngày truyền bá các thông tin không đáng tin cậy và việc thông tin không được xác thực có thể làm trầm trọng thêm mức độ tin tưởng vốn thấp của thanh thiếu niên vào các tổ chức truyền thông và chính phủ", nghiên cứu cho hay.

CNN đánh giá, sự ngờ vực của thanh thiếu niên đối với Big Tech đã phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng đối với các công ty công nghệ lớn tại Mỹ. Không chỉ thanh thiếu niên, người trưởng thành tại Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều nội dung gây hiểu lầm hoặc hoàn toàn giả mạo trên các nền tảng xã hội. 

Theo CNN, kể từ khi mua lại Twitter vào năm 2022 và đổi tên nền tảng thành X, tỷ phú Elon Musk đã cắt giảm đội ngũ kiểm duyệt, qua đó, nhiều thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch đã lan truyền trên nền tảng này. 

Gần đây, Meta đã thay thế các công cụ kiểm tra thông tin của bên thứ ba bằng Community Notes. Bản thân CEO Mark Zuckerberg cũng lưu ý rằng việc này sẽ dẫn đến nhiều nội dung có hại hơn xuất hiện trên Facebook, Instagram và các nền tảng khác của công ty.

"Nhận thức của thanh thiếu niên về tính chính xác của nội dung trực tuyến báo hiệu sự mất lòng tin vào các nền tảng kỹ thuật số. Điều này cần có sự can thiệp của giáo dục về thông tin sai lệch cho thanh thiếu niên", nghiên cứu cho biết, đồng thời nói thêm rằng "các công ty công nghệ nên ưu tiên tính minh bạch và phát triển các tính năng nâng cao độ tin cậy của nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ".