
G-Dragon gây tranh cãi về khả năng hát live - Ảnh: @candyinuheart
Siêu nhân xuất hiện sau khi Thượng đế đã chết; siêu nhân nằm ngoài những phân tranh về thiện ác bởi siêu nhân tự tạo nên hệ tư tưởng đạo đức của mình; siêu nhân liên tục vượt lên sự yếu nhược và làm chủ vận mệnh bản thân.
G-Dragon lựa chọn Übermensch cho album phòng thu cá nhân đầu tiên sau 12 năm kể từ Coup d'Etat và 7 năm sau Made, album phòng thu cuối cùng với Big Bang. Và có lẽ phải là thời điểm này để anh chọn ý niệm ấy.
Power của G-Dragon - Ảnh: Galaxy Corporation
Từ những cú beat mãnh liệt khẳng định quyền lực bất biến trong Power tới điệu funk vui tai ứng khớp với ẩn dụ công viên giải trí của danh tiếng với những vòng đu quay mạo hiểm của tiền tài trong Gyro-Drop, từ một bản ballad dựa trên nền tảng tiếng piano hoài niệm trong Drama đến Bonamana được dựng trên giai điệu guitar mộc và đàn hạc cùng tiếng hát như đang chuyện trò của G-Dragon kể về một chuyện tình bí mật mang đầy màu sắc cấm ái, nằm ngoài những ranh giới về đạo đức.
Phần còn lại của Übermensch chứng minh cho điều đó, rằng những ngày huy hoàng vẫn còn sống động và đây không chỉ là một sản phẩm âm nhạc để tặng người hâm mộ của một thần tượng "hưu trí".
Thậm chí không nhiều album solo của một thần tượng K-pop trẻ nào gần đây phong phú về âm quyển và mang lại cảm giác trọn vẹn như album này của G-Dragon.
Từ một bản pop-rock Take me gợi ta nhớ đến Haru Haru kinh điển của Big Bang một thời, đến Too bad rất chơi, rất phóng khoáng, rất thời trang, rất G-Dragon. Sự hỗn nguyên ấy lại cùng là không thể khác được với một Übermensch, theo diễn giải từ Nietzsche, theo ông, con người mà không mang trong mình hỗn nguyên thì làm sao có thể sinh ra một ngôi sao nhảy múa.
Nếu Übermensch ra đời vào thời đỉnh cao danh tiếng của Big Bang, thì album ấy đã chẳng đáng để nói đến như lúc này. Vào thời điểm được tất cả công nhận là "ông hoàng K-pop", G-Dragon có lấy ý niệm của Nietzsche để bày tỏ quan điểm sống thì cũng là chuyện tất nhiên, ai dám nghi ngờ vị thế của anh?
Nhưng phải là thời điểm này, khi đã trải những giai đoạn trầm lắng nhất, những nghi ngờ lớn lao nhất, những nốt buồn nhất của một thần tượng, khi chữ Übermensch không còn là nghiễm nhiên nữa, mà anh vẫn khiến ta tâm phục khẩu phục rằng thế giới K-pop này, chỉ anh mới đủ tầm vóc để gọi mình là Übermensch, thì đó sẽ là một sự thừa nhận vững chắc.
Một lần nữa, lại là Nietzsche đã viết: "Ai có một lý do để sống thì sẽ chịu được mọi hoàn cảnh". G-Dragon không phải siêu nhân, thì ai?
