Video: Cận cảnh quy trình làm |
Hà Nội có nhiều làng nghề làm miến dong nổi tiếng như làng như làng Cự Đà (huyện Thanh Oai), xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) hay thôn Minh Hồng (xã Minh Quang, huyện Ba Vì)... Trong đó, làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai có thương hiệu miến dong nổi tiếng không chỉ trong mà còn ngoài nước. Sản phẩm được làm hoàn toàn từ củ dong riềng, giữ nguyên độ thơm ngon, dai giòn đặc trưng. Những người làm nghề cho biết, bí quyết để miến làng So khác biệt nằm ở sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và nguồn nước giếng tự nhiên trong lành, ngọt mát của vùng đất này. |
Để làm ra những sợi miến dong dai ngon, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Củ dong riềng được rửa sạch, xay nhuyễn, rồi qua các bước lọc bã, lắng bột, hồ hóa tinh bột. Sau đó, bột được tráng thành lớp mỏng, phơi khô trên các tấm phên tre, cắt thành sợi, phơi khô lần nữa trước khi đóng gói thành phẩm. |
Từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch là thời điểm cao điểm của làng miến. Các cơ sở sản xuất đều tăng ca, huy động tối đa nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường. Máy tráng bánh hoạt động liên tục, tiếng máy móc xình xịch hòa trong không khí hối hả. |
Bà Hà Thị Thu (xưởng miến dong Minh Quân, 50 tuổi) chia sẻ: “Gia đình tôi đã ba đời làm miến, chủ yếu là thủ công nên mất nhiều thời gian hơn so với các hộ dùng máy móc. Dịp Tết, đơn hàng tăng, nhà tôi phải thuê thêm 5 nhân công, nâng tổng số lên 20 người mới kịp tiến độ. Từ sáng sớm, cả nhà đã phải nhóm lửa, chuẩn bị làm việc đến tối mịt. Dù rất vất vả, nhưng nhìn miến bán chạy, khách hàng khen, tôi thấy mọi công sức đều xứng đáng". |
Ông Nguyễn Quế Hạnh (chủ xưởng miến Anh Phong) chia sẻ, miến của làng So rất đặc trưng và dễ phân biệt. Miến ở những vùng khác làm không sử dụng bột dong chuẩn mà pha lẫn với bột đậu hay bột sắn ăn sẽ bị nát, còn miến dong của làng So vẫn giữ giữ nguyên độ thơm ngon, không quá dai và cũng không quá giòn. |
Gia đình ông Hạnh là hộ sản xuất lớn tại làng So, đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng miến dong. Theo ông Hạnh, việc áp dụng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy sấy, giúp gia đình ông không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước. “Ngày xưa, miến phải phơi dưới nắng, chỉ cần trời mưa là coi như cả mẻ bị ảnh hưởng. Giờ có dàn máy sấy, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đáp ứng được tiến độ giao hàng”, ông Hạnh chia sẻ. |
Dịp Tết, gia đình ông huy động 40 nhân công làm việc liên tục để kịp các đơn hàng từ khắp cả nước. "Hàng ít thì gửi xe khách, nhiều thì thuê xe tải hoặc container", ông nói. |
Những tấm phên tre phủ đầy miến trắng được trải dài khắp các ruộng, ánh nắng làm sợi miến thêm dai và trong đẹp mắt. Trời nắng tuy thuận lợi, nhưng cũng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận. Nếu phơi quá lâu, miến có thể bị khô giòn, dễ gãy, không đạt chất lượng. |
"Với nghề làm miến, trời càng nắng to, chúng tôi lại càng mừng. Nhưng nắng đẹp cũng đồng nghĩa với việc công việc phải gấp gáp hơn, không có thời gian nghỉ ngơi. Dịp Tết này, chúng tôi làm không ngơi tay, đến tận 3 giờ chiều mới tranh thủ giải lao một chút rồi lại tiếp tục", bà Đỗ Thị Hồng (lao động cơ sở Lập Tuyền) chia sẻ. |
Hiện nay, xã Tân Hòa hiện có 65 hộ sản xuất miến dong, cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn miến dong/ngày. Đây cũng là giai đoạn bận rộn nhất trong năm, khi lượng đơn hàng tăng đột biến. Những gia đình theo nghề miến dong lâu đời đã cải thiện đáng kể đời sống kinh tế. Miến làng So đã có mặt trên các tỉnh thành cả nước, thậm chí khách hàng tại thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu (Đức) đón nhận nhiệt tình. Việc sản xuất miến không chỉ duy trì, phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. |