Phương án tuyển sinh các trường đại học top đầu: Có gì mới?

TPO - Thời điểm này, các trường đại học top đầu ở phía Bắc như: trường đại học Kinh tế quốc dân, đại học Bách Bách Khoa Hà Nội, đại học Sư phạm Hà Nội…đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với những điểm mới.

Năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%, giảm 3% so với năm 2024).

Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.

Lãnh đạo phòng đào tạo của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay sở dĩ giảm từ 9 tổ hợp còn 4 vì theo thống kê số lượng sinh viên trúng tuyển vào trường các năm gần đây khoảng 95% thuộc 4 tổ hợp này. Ngoài ra, 4 tổ hợp này đều có môn Toán phù hợp với yêu cầu đầu vào của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Theo quy chế của bộ GD&ĐT, mỗi ngành/chương trình tuyển sinh sử dụng tối đa 4 tổ hợp. Đồng thời khuyến cáo các trường đơn giản hóa các tổ hợp, phương thức trong xét tuyển nên trường lựa chọn 4 tổ hợp này và đồng nhất áp dụng với tất cả các mã tuyển sinh.​

Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh theo 6 phương thức xét tuyển, tăng thêm 1 phương thức so với năm 2024. Đây sẽ là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển đại học.

Năm phương thức còn lại gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TP.HCM.

Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2025, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%).

Trường cũng đã công bố Kế hoạch tổ chức thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 và ra mắt "Cẩm nang thi Đánh giá tư duy". Kỳ thi dự kiến tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3 - 4 kíp thi tại 30 điểm thi.

Theo Đại học Bách khoa Hà Nội, với mong muốn mang kỳ thi Đánh giá tư duy của các nước phát triển trên thế giới về với học sinh Việt Nam, trong những năm qua, nhà trường đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế và triển khai tổ chức Kỳ thi Đánh giá tư duy (Thinking Skills Assessment - TSA).

Mục tiêu của bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: tư duy Toán học, tư duy Đọc hiểu và tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.

Kỳ thi TSA được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng những công nghệ khảo thí tiên tiến, tiếp cận với các kỳ thi đánh giá tư duy hiện đại trên thế giới, như SAT, ACT...

Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi TSA đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới.

Tuyển sinh ĐH năm 2025: Mở rộng các kì thi riêng
Sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm đắt hàng
Sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm đắt hàng
Thanh Hóa: Điều động giáo viên dạy liên trường, hết cảnh dừng môn học
Thanh Hóa: Điều động giáo viên dạy liên trường, hết cảnh dừng môn học