
Kênh 80 giáp Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang cũ, nơi tiếng gà gáy từng ba tỉnh cùng nghe - Ảnh: THANH HUYỀN
Đầu tháng 7, chúng tôi trở lại vùng giáp ranh giữa xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (nay là xã Tân Thuận) và thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Gành Hào) - nơi từng có con sông Gành Hào chảy dọc phân định Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 2: Về chung một nhà và niềm kỳ vọngPhố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 1: 'Anh Tây Ninh, em Long An' đã là kỷ niệm
Nhiều lúc mình cũng không để ý mình thuộc tỉnh nào, chỉ khi làm giấy tờ mới nhớ là mình ở Bạc Liêu" - bà Phan Thị Điều, 48 tuổi, người dân ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai (nay là xã Phong Thạnh) kể lại.
Bà Điều mỗi ngày chạy xe máy hơn chục lượt qua Cà Mau để giao thịt. Hồi dịch Covid-19, bà Điều "ngáp gió" vì tỉnh này không được qua tỉnh kia, bị kiểm tra giấy tờ, hành chính như cơm bữa.
Không riêng gì cầu Gành Hào, trục đông - tây tỉnh Cà Mau nối liền hai cửa biển từ Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau (nay là xã Sông Đốc) đến Gành Hào thuộc huyện Đông Hải, Bạc Liêu (nay là xã Gành Hào). Những nhịp cầu mới bắc ngang hàng chục con sông rạch trước đây là rào cản địa giới hành chính thì nay là niềm tin của nhiều tiểu thương, người dân nuôi tôm cua của hai tỉnh.
"Phía xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (nay là xã Trí Phải) hạ tầng kém hơn xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Phong Hiệp) nên chúng tôi hay chọn cho con cái học hành, đi làm ăn, đi chợ đều bên Bạc Liêu, không qua Cà Mau dù nơi đó đi gần hơn.
Bây giờ hợp tỉnh, đầu tư đường sẽ đồng bộ, hệ thống chính quyền một mối thì dân nhờ nhiều lắm" - ông Lý Công Nhã, sống tại xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Phong Hiệp) chia sẻ.
Ông Nhã kể người ta hay gọi đây là vùng đất gà gáy ba tỉnh cùng nghe. Khi tiếng gà trưa vọng từ ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú (nay là Trí Phải) vang qua những cánh đồng nuôi tôm thì người dân các xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) và Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, Bạc Liêu (nay là xã Phong Hiệp) đều có thể nghe thấy.
"Bên này cách bên kia chỉ có cái kênh 80, nhưng trước đây giấy tờ, sổ sách rối rắm lắm, chỉ có... tiếng gà là thông suốt. Hồi trước, con tôi học ở chợ Hội, bên tỉnh Cà Mau nhưng nhà tôi thì ở Bạc Liêu, mỗi lần chuyển lớp, chuyển cấp là phải làm đơn xin xác nhận qua lại. Giờ thì nhẹ gánh" - ông Lý Văn Nhiệm, sống tại ấp 8B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Phong Hiệp) cho biết.
Cánh "đồng chó ngáp" được nối liền
Ở vùng giáp ranh giữa ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau (nay là xã Trí Phải) và ấp 8B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, Bạc Liêu (nay là xã Phong Hiệp), người dân xưa vẫn quen gọi nơi này là "đồng chó ngáp".
Cái tên dân dã ấy không phải để đùa, mà là mô tả đúng cái khắc nghiệt của vùng đất nhiễm phèn, trũng thấp, toàn cỏ năng mọc dại, chỉ thấy bóng người mỗi khi mùa len trâu (mùa giữ trâu, vỗ béo trâu sau vụ lúa). Mùa nắng chó theo người chạy qua cánh đồng ngáp thè lưỡi dài ngao ngán.
Người dân nơi đây bảo nhau hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nhập lại, cánh "đồng chó ngáp" năm xưa không chỉ sẽ có điều kiện thoát khỏi phèn chua mà còn thoát luôn cảnh chia cắt hành chính.
Họ giờ không còn là "người bên này - người bên kia", mà cùng là quê hương, trên mảnh đất đang đổi thay từng ngày.
"Cách đây khoảng 20 năm, chỗ này toàn cỏ năng. Nhà tôi là một trong những hộ bám trụ nơi đây lập nghiệp. Hồi đó mở đất phải gánh từng xô nước ra giữa đồng, kéo từng cây tràm về dựng chòi. Giờ thì lộ nhựa, điện quốc gia đã có, nhà tường mọc lên san sát nhau" - ông Trương Thanh Nhàn, 65 tuổi, cư dân hơn 50 năm ở vùng đất này, kể lại.
Tràm Thẻ Đông (xã Trí Phải mới) giờ là một trong những ấp nông thôn mới tiêu biểu của Thới Bình. Hệ thống thủy lợi khép kín, dân phát triển mô hình tôm, cua, lúa, cá. Mỗi năm ông Nhàn thu được gần 400 triệu đồng từ việc nuôi tôm, cua kết hợp với trồng lúa.
Việc sáp nhập hai tỉnh không chỉ là quyết định hành chính, mà là sự mở lối cho hàng ngàn người dân vùng giáp ranh từng chịu nhiều bất tiện trong đời sống hằng ngày.
Từ chuyện xin giấy khai sinh, chuyển trường học cho con đến chuyện mua bán, vận chuyển hàng hóa giữa hai bên, tất cả từng bị cản bởi hai chữ "khác tỉnh".
Từ ngày 1-7-2025, toàn quốc đã triển khai bộ máy hành chính thống nhất, người dân có thể giải quyết hồ sơ ở bất cứ điểm nào trong toàn tỉnh mới. Nhiều hộ gia đình từng phân tán thành viên sống ở hai tỉnh giờ như "được đoàn tụ trên giấy tờ".
Cụ bà Nguyễn Thị Bé, 76 tuổi, sống gần kênh sáng Cà Mau - Bạc Liêu kể: "Thằng út tôi ở TP Bạc Liêu (nay là phường Bạc Liêu), thằng lớn ở huyện Đông Hải, Gành Hào (nay là xã Gành Hào) thằng con thứ thì ở tận xã Đá Bạc, tỉnh Cà Mau mới. Bây giờ một tỉnh rồi, mẹ con về chung một nhà".
Ông Trần Hiếu Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - ngồi lặng một lúc trước khi nói chậm rãi: "Tôi may mắn là người chứng kiến cả hai lần tách nhập tỉnh trong đời".
Trước năm 1996, ông từng là cán bộ trẻ từ Bạc Liêu được điều động xuống Cà Mau tăng cường trong giai đoạn còn là tỉnh Minh Hải. Khi hai tỉnh chia tách, ông gắn bó với vùng Đất Mũi, Cà Mau suốt gần ba thập niên. Nay ở tuổi nghỉ hưu, ông lại chứng kiến ngày hai địa phương về lại một nhà.
"Cảm xúc khó tả lắm. Nhìn vùng đất từng chia cắt giờ liền mạch phát triển, tôi tin rằng lớp cán bộ hôm nay sẽ làm tốt hơn chúng tôi ngày trước", ông Hùng chia sẻ.
Trung tâm thủy hải sản lớn nhất nước

Tỉnh mới Cà Mau bao gồm Bạc Liêu sẽ là trung tâm thủy hải sản lớn nhất nước - Ảnh: THANH HUYỀN
Cà Mau và Bạc Liêu (cũ) giờ đây không chỉ chung nhau địa giới, mà còn chung một định hướng: trở thành trung tâm tôm, cua, thủy sản của cả nước.
Với trên 439.000ha mặt nước nuôi thủy sản, tổng sản lượng thủy sản hơn 1.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tương đương 2,25 tỉ USD/năm.
Không những vậy, các công trình hạ tầng ngàn tỉ như sân bay Cà Mau mở rộng, trục đường đông - tây, cầu bắc qua cửa biển sông Ông Đốc, cửa biển Gành Hào, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc từ TP Cà Mau đi Đất Mũi và cảng nước sâu Hòn Khoai, những cánh đồng điện gió sẽ không chỉ kết nối vùng mà còn tạo vành đai phát triển kinh tế biển - năng lượng - du lịch ven biển cho toàn miền Tây.
********************
"Tôi luôn tin rằng tuổi trẻ phải dấn thân. Khi Tổ quốc chuyển mình cũng là lúc chúng tôi phải bước tới, mang theo cả trách nhiệm và hy vọng" - thượng úy Vũ Đình Khiêm chia sẻ.
>> Kỳ tới: Kỳ vọng của người trẻ khi "sắp xếp lại giang sơn"
