Sáng 12-1, HĐND TP.HCM có chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời, chủ đề “Tết Ất Tỵ, hạnh phúc, bình yên, hướng đến tương lai”.
Ý thức người dân tăng cao sau nghị định 168
Tại chương trình, cử tri TP.HCM cho rằng nghị định 168 có hiệu lực đã giúp người dân có ý thức chấp hành tốt hơn luật giao thông. Tuy nhiên, cử tri yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm cần triển khai giải pháp cụ thể, đồng bộ trong việc rà soát, tổ chức và quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông để đảm bảo an toàn và hiệu quả, hợp lý.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết hiện TP.HCM đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông, trong đó 843 chốt hoạt động độc lập, được lập trình sẵn và 227 chốt kết nối về trung tâm điều khiển của TP.
Tuy nhiên, công tác vận hành sẽ chuyển giao cho lực lượng cảnh sát giao thông từ ngày 1-1-2025 theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới. Sở cũng đã có kế hoạch liên tịch với ngành công an giao thông để hỗ trợ.
Theo ông An, từ khi Lắp thêm 30 mũi tên cho rẽ phải khi đèn đỏ ở quận 1, quận 3, gồm điểm nào?ĐỌC NGAY
Về công tác quản lý trật tự đô thị, Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn giao thông.
“Trách nhiệm chính vẫn là ngành công an, ngành giao thông vận tải, nhưng sự hỗ trợ quan trọng nhất là ý thức của bà con ở ngay mặt tiền nơi chúng ta tham gia sinh hoạt, buôn bán cũng như chính quyền địa phương. Ngày mai sở cùng các ngành chức năng sẽ có buổi họp để đánh giá lại tình hình giao thông TP mấy ngày qua, cũng như phương hướng tổ chức lại giao thông, tín hiệu giao thông làm sao tốt nhất”, ông An nói.
70% lượng khách sử dụng metro đi làm
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, TP đang thực hiện đề án thí điểm khai thác một số kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị với ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, hoàn thiện các tiện ích dịch vụ thương mại, đưa vào hoạt động cùng với tuyến đường sắt số 1.
Thứ hai, quản lý và khai thác hiệu quả các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Thứ ba, tạo nguồn ngân sách bổ sung cho các hoạt động của hệ thống đường sắt đô thị. Các loại hình khai thác bao gồm quyền khai thác mặt bằng thương mại, dịch vụ bán lẻ, quảng cáo, máy rút tiền tự động và bãi giữ xe.
Từ ngày 22-12-2024, hệ thống metro TP.HCM đã vận hành với công suất khoảng 170.000 hành khách/ngày, vượt khoảng 30% so với thiết kế. Khoảng 70% người sử dụng metro đi làm, một tín hiệu tích cực cho giao thông công cộng.
Trong thời gian đề án khai thác dịch vụ hạ tầng xung quanh chưa được phê duyệt, TP đã giao Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) lắp đặt máy bán nước tự động tại các nhà ga và giao lực lượng thanh niên xung phong tổ chức giữ xe đúng giá quy định tại các nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Hệ thống xe buýt kết nối với nhà ga metro cũng đã triển khai với 21 tuyến phục vụ người dân.