Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù

Nhiều năm qua, những nghệ nhân tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn miệt mài với nghiệp giữ gìn, bảo tồn di sản văn hoá Ca trù dẫu "cơm áo không đùa với khách thơ".

Giữ gìn di sản

Như thường lệ, vào mỗi chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ (CLB) lại tổ chức sinh hoạt. Những làn điệu ca trù được các thành viên CLB cất vang trong không gian tôn nghiêm tại Khu di tích Dinh điền sứ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (đóng tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) được xem là người đặt nền móng cho ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân). Sau thời gian bị lãng quên, từ năm 1998, di sản văn hóa ca trù được phục hồi, nhiều thế hệ nghệ nhân, ca nương Nghi Xuân tiếp tục giữ gìn và lan tỏa trong đời sống, trong số đó, phải kể đến vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh (Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm) và Trần Văn Đài (Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm).

Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù- Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt của CLB tại Khu di tích Dinh điền sứ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống ca trù, những câu hát của các nghệ nhân cổ như cụ Phan Thị Nga, Trần Thị Gia đã ngấm vào máu của Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh. Niềm đam mê với làn điệu ca trù quê hương theo đó cũng "dày" lên theo năm tháng. Nghệ nhân Dương Thị Xanh càng may mắn khi có chồng là Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài cũng cùng chung tình yêu và chí hướng.

Năm 2007, với khao khát cháy bỏng giữ gìn, phát huy văn hóa Ca trù, vợ chồng Nghệ nhân Dương Thị Xanh đã đóng cửa hàng kinh doanh, bỏ tiền túi cùng nhau ra Hà Nội học nâng cao kỹ thuật hát Ca trù để về truyền dạy cho các ca nương tại địa phương. Liên tiếp trong 3 năm miệt mài, vợ chồng Nghệ nhân Xanh đã âm thầm cùng nhau thực hiện lý tưởng làm sao để giữ gìn, bảo tồn và phát triển được văn hóa ca trù.

Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù- Ảnh 2.

Vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh là thế hệ thứ 2 của Ca trù Cổ Đạm.

Năm 2009, tại kỳ họp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Lúc này, vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh và một số nghệ nhân, ca nương mới được UBND huyện Nghi Xuân ký hợp đồng lao động, hỗ trợ 1 bậc lương cơ bản. Cũng từ đó, CLB Ca trù Cổ Đạm, CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ mới có sự định hướng, hoạt động quy cũ để giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ trẻ tại địa phương.

Nghề không nuôi được nghề

Trong không gian văn hóa tôn nghiêm tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ, chúng tôi được thưởng thức làn điệu của bài Ca trù "Hồng hồng tuyết tuyết" do nhóm nghệ nhân CLB thể hiện. Những ca từ sâu lắng, chạm đến tầng sâu xúc cảm. Khi làn điệu Ca trù cất lên, cũng là khi nỗi lòng của những người nghệ nhân bày tỏ.

Theo ông Lê Xuân Hải, chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ, để giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa ca trù quê hương là cả một quá trình đầy nỗ lực của các thế hệ, nghệ nhân, ca nương khi "nghề không nuôi được nghề". Các nghệ nhân, ca nương tại đây hiện chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ 1 bậc lương cơ bản. Họ đã bám trụ "nghiệp" Ca trù hàng chục năm qua với chế độ hỗ trợ từ những năm một bậc lương cơ bản chỉ 400.000 đồng cho đến nay. Chưa kể, ca trù được ví là "âm nhạc bác học", là loại hình nghệ thuật kén người nghe, kén không gian biểu diễn gần như khó tiếp cận đối với thế hệ trẻ nên "nghề không nuôi được nghề" lại càng khó khăn trong việc phát triển hơn.

Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù- Ảnh 3.

Các nghệ nhân có khao khát cháy bỏng bảo tồn và phát triển được văn hóa Ca trù cho tầng lớp thế hệ trẻ.

Cũng theo ông Hải, hiện, Nghi Xuân có CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB Ca trù Cổ Đạm đang hoạt động song song. Tổng 2 CLB có khoảng 50 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Mặc dù, qua thời gian, cả 2 CLB đều đã đào tạo được rất nhiều thế hệ ca nương yêu và đam mê với làn điệu ca trù nhưng lại có rất ít "người tài" gắn bó ở lại quê hương do không có những cơ chế đãi ngộ.

Cuộc sống "cơm áo gạo tiền" cũng bủa vây những nghệ nhân hiếm hoi của Ca trù Cổ Đạm. Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh cũng đã từng phải gác lại đam mê để đi xuất khẩu lao động. Hay đến thời điểm bây giờ, ngoài những giờ phút "sống trọn" với Ca trù vào 2 buổi chiều thứ 3 và thứ 5 sinh hoạt CLB, họ - những nghệ nhân ca trù cũng phải bươn chải với cơm, áo, gạo, tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù- Ảnh 4.

Một tiết mục biểu diễn của các Nghệ nhân CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ tại "Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được Unesco ghi danh" tổ chức vào hồi tháng 11 vừa qua.

Ông Nguyễn Long Thiên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông UBND huyện Nghi Xuân cho hay, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến sự tồn tại của Ca trù đã và đang bị đe dọa. Với các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, sự giao lưu các nền văn hoá, sự phát triển truyền thông đại chúng, sự thay đổi nếp sống, lối sống, sự tấn công vào truyền thống dân gian của các hình thức âm nhạc, giải trí… được du nhập từ phương Tây với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật và sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin đang khiến cho vị trí của Ca trù bị lung lay trong lòng dân chúng.

Nỗi lòng bảo tồn di sản văn hoá Ca trù- Ảnh 5.

Ca trù là một loại hình nghệ thuật kén người nghe, người hát bởi độ khó nhất định trong phách, nhịp, vần điệu.

"Mặc dù được đánh giá cao là một trong những dòng nhạc bác học nhưng Ca trù kén người nghe và rất hạn chế về số người đam mê theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Cho nên sau 36 năm Hội thảo Ca trù từng bước được bảo tồn và phát huy đến nay vẫn chỉ thành lập được 2 CLB. 

Vấn đề tồn tại và hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Ca trù có rất nhiều nguyên nhân như: Chưa có các chủ trương, chính sách ưu tiên đối với việc bảo tồn phát huy giá trị di sản Ca trù; Quy hoạch thiết chế văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực đang còn nhiều bấp cập, địa phương nơi có di sản Ca trù chưa có hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ; Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản còn nhiều hạn chế; Đội ngũ tác giả soạn lời mới cho Ca trù hầu như là con số 0, tính sau 35 năm trên địa bàn toàn huyện chỉ có được một vài bài viết lời mới cho nghệ thuật Ca trù, một phần do việc viết lời mới cho làn điệu Ca trù vô cùng khó, đặc biệt là chưa có sự động viên và chưa được quan tâm đúng mức đối với đội ngũ viết lời mới cho Ca trù…", ông Thiên trải lòng.