Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 3: Tân Sơn Nhứt hay Nhất cũng là một thôi nghen

Bảy năm trước khi tôi in cuốn sách 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất, một vài bạn bè mê lịch sử đã hỏi: "Tại sao không viết Tân Sơn Nhứt cho chính xác cổ danh mà lại là Tân Sơn Nhất chỉ xuất hiện sau năm 1975".
tân sơn nhứt - Ảnh 1.

Tên sân bay Tân Sơn Nhứt đã có từ khởi đầu đến năm 1975 - Ảnh tư liệu

Xin thưa rằng do tôi viết phi trường lớn nhất Việt Nam này từ buổi đầu thành lập đến hiện nay, nên mạn phép dùng chữ

Tan Son Nhut (hay Tân Sơn Nhất) hiện vẫn còn trên rất nhiều tài liệu, bản đồ cũ

"Hồi chiến sự chưa khốc liệt trước Tết Mậu Thân năm 1968, đặc biệt là nửa đầu thập niên 1960 về trước, tôi còn nhớ mình và bạn bè hay lái xe ra Tân Sơn Nhất chơi. Phi trường lúc ấy đã mở rộng ra các hướng ngã tư Bảy Hiền, Bà Quẹo, Tân Bình, rồi ra cả hướng Hạnh Thông, Gò Vấp, Phú Nhuận. Nhưng phần ngoại vi vẫn còn rất nhiều cây xanh lớn, chúng tôi mang cả sách nằm đọc dưới bóng mát, ngắm phi cơ lên xuống...", cụ Nguyễn Đình Đầu, chứng nhân Sài Gòn một thời, cho biết.

Ông cụ còn kể thêm nhiều người dân khác thì lên hành lang nhà ga phi trường để ngắm phi cơ, còn ông thì mang ghế xếp ra ngồi thư thả đọc sách dưới gốc cây xanh bên ngoài. 

Tên bảng phi trường ghi rõ là Tân Sơn Nhứt, nhưng ngay thời đó cũng có người quen miệng đọc là Nhất như ông từ miền Bắc vào, còn dân cố cựu vùng đất này thì tất nhiên vẫn nói Nhứt, đúng địa danh từ thời tổ tiên họ đến đây khai hoang, lập nên xóm làng.

Chúng tôi, lứa hậu sinh quá xa so với cụ Đầu, cũng phần nào rành rẽ chút điều này. Xóm chúng tôi ở ngã tư Bảy Hiền, gần phi trường. Thời khó khăn, thiếu thốn giải trí thập niên 1980, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lò mò đi bộ hoặc đạp xe vào khu này chơi. 

Một số đứa trẻ là con cháu người Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954, vẫn giống cha mẹ nói là Tân Sơn Nhất. Còn những đứa có cha mẹ, ông bà dân cố cựu trong đây thì cứ quen miệng rổn rảng gọi sân bay Tân Sơn Nhứt, hổng có Nhất, Tân Sơn Nhất nào cả, dù tấm bảng viết dòng chữ này đã treo lên ngay từ khi chúng mới sinh ra đời.

Bản thân tôi cũng là hậu sinh của dòng dân di cư vào, nhưng thời điểm 1954 đó cha mẹ còn nhỏ xíu nên dần pha quyện Bắc - Nam. Đến đời tôi sinh giữa thập niên 1975 thì miệng nói Tân Sơn Nhứt, nhưng khi học hành lại viết Tân Sơn Nhất cho đúng chương trình giáo dục thời sau... Tuy nhiên cũng đôi khi tôi quên, tay viết theo miệng ráo trọi là Tân Sơn Nhứt, rồi bị cô giáo rầy rà trừ điểm chính tả.

Tình thiệt là rối rắm, lúc Nhất, khi lại Nhứt. Vậy gốc gác chính xác địa danh vùng đất này như thế nào?

tân sơn nhứt - Ảnh 3.

Ngày nay, Tân Sơn Nhứt đã được đổi thành Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUỐC VIỆT

Địa danh Tân Sơn Nhứt đã vắt qua hai thế kỷ

Trong cuốn sách 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất, từ cơ sở phỏng vấn các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư (cùng các cuốn Gia Định thành thông chí, Địa chí văn hóa TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ và hai tập sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ của cụ Nguyễn Đình Tư), tôi đã viết "lai lịch" tên Tân Sơn Nhứt gắn với phi trường Sài Gòn buổi ban đầu như sau:

"Khoảng cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20, phi trường Tân Sơn Nhất được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp thời đáp ứng nhu cầu bay ngày càng nhiều hơn của phi đội Nam Kỳ. Xin lưu ý tên chính xác phi trường này từ lúc khởi lập đến ít nhất cuối tháng 4-1975 là Tân Sơn Nhứt, lấy theo tên một cổ thôn tọa lạc ở mạn Bắc Sài Gòn - Gia Định. 

Đây là vùng đất gò cao cách Bưu điện trung tâm Sài Gòn khoảng gần 10km và khoảng cách cũng xấp xỉ khi kết nối với các khu dinh sở hành chánh - nhà ở của giới cầm quyền thuộc địa, tức đối tượng hành khách chính yếu của hàng không lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, ngoài lý do thuận tiện đường sá giao thông, các kỹ sư Pháp còn chọn Tân Sơn Nhứt vì đây là vùng đất gò cao, không bị ngập nước, có nền địa chất cứng hiếm hoi ở xứ này, rất phù hợp để xây dựng phi trường.

Kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, thôn này gốc gác là một giáp thuộc thôn Tân Sơn. Trải qua thời gian biến loạn đẫm máu do nội chiến giữa nhà Nguyễn và anh em Nguyễn Huệ, thôn Tân Sơn vẫn tồn tại với đa số người dân sống bằng nghề nông, ngầm ủng hộ công cuộc kháng chiến khôi phục vương triều đầy khó khăn của Gia Long. Đến triều Minh Mạng, Tân Sơn được đặt lại là thôn Tân Sơn Nhứt theo đúng cách đọc của âm giọng miền Nam.

Thuở ấy, nó thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thôn có ranh giới phía Tây giáp với thôn Tân Sơn Nhì cùng tổng, phía Đông giáp với hai thôn Phú Nhuận, An Hội trong tổng Bình Trị Hạ. Phía Bắc Tân Sơn Nhứt liền kề thôn Hanh Thông Tây cũng thuộc tổng Bình Trị Hạ...".

Trong cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (trang 190, tập 2, NXB Tổng Hợp TP.HCM), cụ Nguyễn Đình Tư còn ghi thế này: "Năm 1920, ngành hàng không lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay, và gọi là sân bay Tân Sơn Nhứt. 

Phần đất còn lại nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với phần còn lại của làng Chí Hòa sau khi trích một phần nhập vào thành phố Sài Gòn thành làng Tân Sơn Hòa...".

Như vậy, nếu truy rõ nguồn gốc thì chẳng có gì khó tìm, rối rắm. Tân Sơn Nhứt rõ ràng đã là cổ danh vùng đất trải qua hai thế kỷ 19 - 20, và nó chính xác là tên phi trường đầu tiên cũng như lớn nhất Việt Nam mà hiện nay vẫn còn trên không ít tài liệu, hình ảnh xưa.

Bước ngoặt đổi thay lịch sử làm cái tên này cũng thay đổi ít nhất là trên bảng hiệu, giấy tờ hành chính, nhưng nhiều người dân cố cựu đất Sài Gòn - TP.HCM vẫn chưa thôi nói Tân Sơn Nhứt như cha ông họ từng nói như thế. Trong khi đó cũng có không ít người lại quen nói là Nhất như tấm bảng sân bay Tân Sơn Nhất đã gắn lên mấy thập niên qua.

Và Nhất hay Nhứt rõ ràng cũng chỉ là một mà thôi nghen.

Đầu tháng 4-2025, đi thực địa ở một ngôi chợ tại Phú Lâm để góp thêm vào loạt bài địa danh Sài Gòn - TP.HCM, người viết bài này bất ngờ vui tai khi nghe một tiểu thương hàng rau giục chồng con nhanh tay để "ra sân bay Tân Sơn Nhứt đón ba má ở bên Mỹ dìa chơi". Cô nói đúng âm giọng miền Nam và Tân Sơn Nhứt vẫn là Tân Sơn Nhứt như đã từng thế.

Quá trình tìm hiểu thêm để chuẩn bị tái bản sách "100 năm phi trường Tân Sơn Nhất", tôi đã gặp đại tá Phan Tương, một trong những lãnh đạo lực lượng Không quân miền Bắc vào tiếp quản sân bay này, và ông cũng chính là giám đốc sân bay sau năm 1975. Nhắc chuyện đổi tên, ông vẫn nhớ:

"Thật ra, ngay lúc đó cũng nhiều người tranh cãi nên giữ tên Tân Sơn Nhứt từ buổi ban đầu mở sân bay hay đổi Tân Sơn Nhất cho chuẩn chính tả miền Bắc khi nước nhà đã thống nhất. Người muốn giữ lại đa số là anh em miền Nam và một số tập kết miền Bắc về. Có người còn nói rõ Tân Sơn Nhứt là tên làng xã lâu đời ở đây, nên khi làm sân bay người Pháp tôn trọng địa danh, lấy luôn làm tên sân bay.

Riêng người muốn đổi tên thành Tân Sơn Nhất, đa số là anh em miền Bắc vào, trong đó có những người mới vào lần đầu chưa quen giọng miền Nam nên nói chữ Nhứt rất khó. Bản thân tôi thì vẫn muốn giữ Tân Sơn Nhứt để tôn trọng địa danh truyền thống cũng như tên làng xã thân yêu của quê tôi ở Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, thời điểm đó chủ trương thống nhất ngôn ngữ vào cả giáo dục và giấy tờ hành chánh, tên cơ quan đơn vị, nên cá nhân tôi là giám đốc sân bay cũng không có quyền giữ lại tên cũ. Đây là chủ trương từ cấp trên".

--------------------------------

Phú Lâm là cửa ngõ Sài Gòn - Chợ Lớn về miệt lục tỉnh một thời và nơi này từng có những thôn xóm xa xưa đến nay vẫn còn nhiều lưu dấu.

Kỳ tới: Ai ra Phú Lâm, ai về lục tỉnh

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 3: Tân Sơn Nhứt hay Nhất cũng là một thôi nghen - Ảnh 4.Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Địa danh Chí Hòa ít nhất đã có từ cuối thế kỷ 18

"Độ chừng năm Chúa Giáng sinh 1760, một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định mà kiếm nghề làm ăn. Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn Nhứt có bề thế dễ làm ăn, thì đã xin khẩn vài ba mẫu đất, mà ở tại đó".

Đọc tiếp Về trang Chủ đề