Tăng vốn để tăng "sức mạnh" cho Vietcombank
Chiều 4/11, tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm về việc cần "cởi trói" về mặt thủ tục để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp "đầu đàn" Nhà nước phát triển.
Phát biểu về vấn đề này, ông Trịnh Xuân An lấy ví dụ về đề xuất tăng vốn cho ngân hàng bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ông An cho biết rất đồng tình về đề xuất tăng vốn Vietcombank để đảm bảo chỉ số an toàn cũng như "sức mạnh" của ngân hàng này. Nhưng điều ông quan tâm là đằng sau việc tăng vốn cho Vietcombank chúng ta ứng xử thế nào với hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước?
Theo ông An, hiện nay hệ thống này đang có sự tụt hậu về tỉ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn so với ngân hàng thương mại tư nhân.
"VCB, BIDV, Vietinbank đang đứng nhóm thứ 2 về quy mô vốn so với Techcombank và VPBank. Tại sao các ngân hàng thương mại tư nhân lại làm tốt trong việc tăng vốn? Trong khi những ngân hàng thương mại Nhà nước mà chúng ta gọi là "anh cả đỏ" lại khó khăn như vậy?", ông An đặt vấn đề và cho biết, các ngân hàng Nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quy trình thủ tục.
Mở rộng ra, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, tương tự các ngân hàng thương mại Nhà nước, hiện nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang là "anh cả đỏ", "sếu đầu đàn" nhưng vướng nhiều về mặt thủ tục đang rất cần được "cởi trói".
Theo tờ trình của Chính phủ về đề xuất tăng vốn cho Vietcombank, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của Vietcombank tại ngày 31/12/2023 là 11,05%, hợp nhất là 11,39%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, đây vẫn đang là mức thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Theo Chính phủ, các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung và Vietcombank nói riêng có vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, được xác định là "sếu đầu đàn" của ngành tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng - thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng)…
Nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Do đó, Chính phủ để xuất bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỉ lệ vốn góp Nhà nước tại Vietcombank với số tiền 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Đầu tư tư nhân ngày càng giảm
Cũng liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, chúng ta đang dùng một lượng lớn nguồn lực để phát triển hạ tầng, phát triển xã hội. Trong đó dùng nguồn lực đầu tư công rất lớn khoảng 800.000 tỷ đồng cho giao thông. Sắp tới chúng ta dành khoảng hơn 60 tỷ USD để phát triển đường sắt tốc độ cao.
Với nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư song có một vấn đề cần giải quyết là tỉ lệ đầu tư tư đang ngày càng giảm đi, ở mức chỉ khoảng 7% - bằng một nửa so với giai đoạn trước.
"Nghịch lý là tại sao đầu tư công đầu tư lớn như vậy mà không dẫn dắt được đầu tư tư. Cần phải làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy đầu tư tư vào nền kinh tế. Cần lấy hệ thống doanh nghiệp làm trụ cột, phải đầu tư cho hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân", ông An nêu quan điểm.
Từ đó, ông An đề xuất với những công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỉ trọng đầu tư.