Sự thịnh thế của chương trình Bài hát Việt đã thúc đẩy sự ra đời một làn sóng nhạc sĩ mới, đa dạng hóa "địa hình" âm nhạc, mọi âm cảnh từ rock đến R'n'B, từ dân gian đến ballad đều đầy dấu ấn.
Ban nhạc Ngũ Cung thuộc về thời kỳ ấy
Thế hệ gen Z ngày nay ấn tượng trước Người miền núi chất của Double2T như thế nào thì thời điểm đó, những người thuộc thế hệ cuối 8X đầu 9X cũng ấn tượng trước Cướp vợ của
Ban nhạc Ngũ Cung - Ảnh: VĂN TRUNG
Di sản hay hơn nhiều so với những gì ta mong đợi ở một ban nhạc có lẽ đã được xếp vào dạng thoái trào. Đó không phải một album theo dạng kỷ niệm, hay làm chơi cho vui để tri ân khán giả, đó thực sự là một album.
Dẫu cho track nhạc mở đầu Sống khác đi không có những thể nghiệm âm thanh ngây ngất như cách Gọi tình mở đầu Cao nguyên đá, nhưng sự dữ dội một cách chân phương của nó như một tuyên bố về sự trở lại, rằng rock vẫn ở đây chứ chẳng đi đâu.
Sau đó album mở ra như một chuyến phượt mà đoạn đầu bằng phẳng, dễ đi, rồi dần dần dẫn ta vào những cung đường hiểm trở hơn, đá sỏi hơn, phiêu lưu hơn, những cung đường bên vách vực ít ai lại qua trong Nhảy lửa cầu mưa, Man Lê 1979, Cô đôi thượng ngàn, và đến lúc đó thì Ngũ Cung lại là Ngũ Cung mà ta từng biết trong Cướp vợ.
Ta lại được bước vào cõi rock Tây Bắc, nhưng sâu thẳm và khó nắm bắt hơn nhiều.
Thay thế cho niềm phấn khích hồ hởi là vẻ hồ mị, đậm chất huyền thoại về những hồn yêu bóng quế mà người ta vẫn truyền tai nhau nghe khi ngồi quây quanh một bếp lửa trong đêm mưa giữa rừng khuya; là sự siêu trần, bồng bềnh thoát tục như cõi thiên thai khi bước vào một ngôi đền Mẫu;
là sự xóa nhòa ranh giới của chất liệu trữ tình và chất liệu lịch sử, sự hòa hợp giữa cái nhẹ bẫng thanh thoát của rừng hoa lê và sức nặng của lịch sử chiến tranh biên giới. Có những đoạn riff dài cả phút đồng hồ mà vẫn khiến ta muốn nó dài hơn nữa.
Ngũ Cung trở lại làm Ngũ Cung
Có những phần lời khiến ta nhớ đến thời kỳ mà âm nhạc vẫn đòi hỏi lời ca trau chuốt: Thiều Quang sáng tỏ lưng trời/ Một màu son sắc tốt tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa...
Sự khác biệt ấy không có gì ngạc nhiên, bởi về mặt nhân lực, Ngũ Cung của Di sản hôm nay gần như không còn là Ngũ Cung mà ta biết vào thời Cướp vợ, cả giọng ca chính Hoàng Hiệp cũng rút lui vào năm ngoái.
Người duy nhất còn hoạt động từ đó đến nay là Trần Thắng, tay guitar chính kiêm nhạc sĩ của ban nhạc.
Những vị trí khác thay người liên tục. Sự ra vào không ngừng của những thành viên mới - thậm chí Di sản có đến ba cái tên hoàn toàn mới, chỉ gắn bó với ban nhạc từ năm... 2024 - khiến ta nghĩ đến một nghịch lý triết học nổi tiếng: thay bao nhiêu bộ phận của một con tàu thì con tàu đó không còn là chính nó? Như mọi câu hỏi triết học, không có đáp án cuối cùng cho câu hỏi ấy.
Nhưng với riêng Ngũ Cung, có lẽ sự thay đổi lại là điều không thể khác được để Ngũ Cung trở lại làm Ngũ Cung, một ban nhạc gắn với một thời nhạc đại chúng Việt mang đến biết bao bất ngờ tươi mới, để họ tiếp tục cuộc thám hiểm Tây Bắc đã gác lại mười năm, lần này sẽ rẽ vào những cung đường khác.