'Mỏ vàng' của Việt Nam đang được Mỹ, Campuchia đua nhau săn lùng: Sản lượng mỗi năm hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục kéo đến đầu tư

Việt Nam đã bỏ túi hơn 900 triệu USD từ mặt hàng này kể từ đầu năm đến nay.
'Mỏ vàng' của Việt Nam đang được Mỹ, Campuchia đua nhau săn lùng: Sản lượng mỗi năm hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục kéo đến đầu tư- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một mặt hàng đang giúp Việt Nam “hốt bạc” hàng tỷ USD mỗi năm là mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu - một trong những ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 11 nước ta đã thu về hơn 92 triệu USD từ xuất khẩu thức ăn gia súc, giảm nhẹ 4,6% so với tháng 10.

Lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng này đã thu về hơn 941,93 triệu USD, giảm 15,2% so với 11 tháng đầu năm 2023.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường này đạt trên 376 triệu USD, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý 2 quốc gia đang cạnh tranh thị phần nhập khẩu từ Việt Nam là Mỹ và Campuchia với vị trí lần lượt thứ 2 và thứ 3. Đối với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 119,94 triệu USD, tăng 46%, chiếm 12,7%. Trong khi đó xuất khẩu sang Campuchia đạt 116,77 triệu USD, giảm 24,9% và chiếm 12,4%.

'Mỏ vàng' của Việt Nam đang được Mỹ, Campuchia đua nhau săn lùng: Sản lượng mỗi năm hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục kéo đến đầu tư- Ảnh 2.

Thức ăn chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, chiếm khoảng 60-70% chi phí sản xuất. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tăng từ mức 9,124 tỷ USD vào năm 2019 lên 12,27 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng kép 5,06%/năm.

Còn theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và công suất. Năm 2019, nước ta chỉ có 261 nhà máy với sản lượng sản xuất là 18,9 triệu tấn thì đến năm 2023 cả nước có 294 nhà máy sản xuất ra 20 triệu tấn (số nhà máy tăng 12,6%, sản lượng sản xuất tăng 5,8%). Trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng sản xuất.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất.

Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),…Việc thu hút các tên tuổi lớn trên thế giới đầu tư vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.