Mặt hàng Việt quen thuộc kỳ vọng thu 700 triệu đô, được Hàn, Nhật mua mạnh: Chìa khóa phát triển bền vững

Năm 2025 ghi dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng mực, bạch tuộc Việt Nam sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến 2024.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ hải sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt gần 274 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ duy trì đà tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, các thị trường mới nổi cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng bứt phá cho cả năm.

Hàn Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 100 triệu USD, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhật Bản giữ vị trí thứ hai với kim ngạch gần 69 triệu USD, tăng 19%. Tại đây, mực và bạch tuộc Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng nhờ chất lượng ổn định, đặc biệt là các dòng sản phẩm giá trị cao như sashimi và bạch tuộc hấp.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đang có tín hiệu phục hồi, với mức tăng 2% trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 26 triệu USD.

VASEP cho biết, thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan với kim ngạch gần 15 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Nhiều thị trường mới nổi như Philippines, UAE, Campuchia, Canada... ghi nhận mức tăng trưởng trên 40%.

Mặt hàng Việt quen thuộc kỳ vọng thu 700 triệu đô, được Hàn, Nhật mua mạnh: Chìa khóa phát triển bền vững- Ảnh 1.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc (ảnh minh hoạ).

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Với khởi đầu thuận lợi trong nửa đầu năm, ngành mực và bạch tuộc được kỳ vọng có thể chạm mốc 700 triệu USD xuất khẩu trong năm 2025. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc và mở rộng tiếp cận thị trường.

Theo các chuyên gia, điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững ngành hàng này là xây dựng chuỗi khai thác – chế biến – xuất khẩu theo hướng thân thiện môi trường và kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu.

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác tài nguyên thủy sản giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, bao gồm:

- Thiết lập 27 khu bảo tồn biển với diện tích khoảng 463.600 ha, bảo vệ sinh sản tự nhiên của các loài như mực và bạch tuộc…

- Chuyển đổi phương thức khai thác: giảm tỷ lệ tàu dùng lưới kéo từ 40% xuống còn 10%, khuyến khích sử dụng lưới vây, câu tay và bẫy truyền thống thân thiện môi trường.

- Kết hợp khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái nhằm giảm áp lực đánh bắt tự nhiên.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua việc thực thi Luật Thủy sản 2017, tăng cường giám sát tàu cá, hợp tác chặt chẽ với EU để gỡ “thẻ vàng”.

Tại Ninh Thuận, mô hình nuôi mực bán hoang dã đầu tiên ở Việt Nam đã được triển khai thành công bởi một hộ dân địa phương. Mô hình này sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ Na Uy, ươm trứng và nuôi mực bằng mồi tự nhiên góp phần giảm áp lực khai thác tự nhiên.

Cùng với đó, các vùng nuôi động vật thân mềm như mực và bạch tuộc đạt chuẩn ASC, BAP, MSC đang được mở rộng nhằm phục vụ các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Nhiều vùng nuôi đã ứng dụng hệ thống giám sát môi trường, truy xuất nguồn gốc và mô hình nuôi kết hợp rong biển để làm sạch nguồn nước.

Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nghề cá bền vững, thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, phát triển “Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản” và nâng cao năng lực lực lượng thanh tra.

Dù có nhiều tín hiệu khả quan, ngành mực và bạch tuộc vẫn đối mặt với không ít thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thói quen khai thác nhỏ lẻ, sử dụng ngư cụ truyền thống. Mô hình nuôi chưa thể triển khai đại trà, trong khi chi phí đầu tư cho vùng nuôi đạt chuẩn còn cao.

Tuy vậy, với chiến lược rõ ràng, sự đồng hành của Chính phủ và nỗ lực chuyển đổi từ chính các doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu vừa tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa phát triển ngành hàng theo hướng bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường toàn cầu.