Thị trường vàng giảm mạnh
Trong phiên giao dịch hôm nay (12/5), giá vàng giao ngay giảm 1,4% xuống còn 3.277,68 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ cũng giảm 1,9%, xuống 3.281,40 USD/ounce.
Giá vàng giảm vào thứ Hai khi tâm lý lạc quan về tiến triển cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm dịu bớt lo ngại thị trường, thúc đẩy dòng tiền chuyển dịch khỏi tài sản trú ẩn an toàn từ vàng sang các kênh đầu tư rủi ro hơn.
Jigar Trivedi - nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại Reliance Securities - nhận định: “Chỉ số đồng USD tăng khi chính quyền Tổng thống Trump ca ngợi tiến triển cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Thụy Sĩ hồi cuối tuần. Điều này tạo áp lực giảm giá lên vàng”.

Thị trường vàng tiếp tục lao dốc.
Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán thương mại vào Chủ nhật với tín hiệu tích cực. Giới chức Mỹ mô tả đây là "thỏa thuận" nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại. Trung Quốc cho biết hai bên đã đạt được "sự đồng thuận quan trọng".
Giá vàng có xu hướng tăng trong bối cảnh bất ổn kinh tế, chính trị và môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, yếu tố hiện tại đang làm suy yếu vai trò trú ẩn của kim loại quý.
Beth Hammack - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland - phát biểu vào thứ Sáu rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ cần thêm thời gian đánh giá phản ứng của nền kinh tế trước các chính sách và thuế quan hiện hành trước khi đưa ra điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ sẽ công bố vào thứ Ba để có thêm căn cứ đánh giá triển vọng điều hành lãi suất của Fed.
"Trong thời gian tới, giá vàng có thể tiếp tục chịu áp lực giảm do đồng USD mạnh lên,nhu cầu trú ẩn an toàn giảm khi rủi ro địa chính trị hạ nhiệt. Mức hỗ trợ tiếp theo của vàng có thể là 3.200 USD/ounce", Trivedi nói thêm.
Giá bạc giao ngay giữ ổn định ở 32,70 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 998,04 USD/ounce và giá palladium tăng 0,4% lên 979,73 USD/ounce.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent tăng 29 cent lên 64,20 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 30 cent lên 61,32 USD/thùng. Giá dầu tăng khi các cuộc đàm phán thương mại sẽ làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế.
Chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc
Hợp đồng tương lai chứng khoán Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng thời đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền trú ẩn an toàn, khi giới đầu tư lạc quan trước những dấu hiệu tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Michael Brown - chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone - nhận định: “Có vẻ như chúng ta có khuôn khổ lớn hơn để hai quốc gia tiếp tục đàm phán, hướng tới thỏa thuận thương mại sâu rộng”. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng tiến triển hiện tại chưa đủ rõ ràng để biết liệu có thể tạm dừng, giảm hay xóa bỏ mức thuế nào hay không.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Nhà Trắng sớm cắt giảm thuế nhập khẩu từ mức 145% xuống mức 60% như Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết. Tuy nhiên, ông Trump vẫn kiên quyết giữ lập trường thuế quan cứng rắn, điều có thể gây sức ép lên tăng trưởng và đẩy giá cả tăng cao.

Giới đầu tư kỳ vọng cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu tích cực.
Phản ứng trước tín hiệu tích cực, hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 1,2%, Nasdaq tăng 1,4%. EUROSTOXX 50 tăng 0,9%, FTSE tăng 0,4% và DAX tăng 0,7%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,3%, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,4%. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc tăng 0,8%, bất chấp dữ liệu cuối tuần cho thấy giá nhà cửa tháng 4 giảm mạnh nhất trong 6 tháng, trong khi giá tiêu dùng giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng 0,4% so với yên Nhật, đạt 145,90 yên/1 USD, lùi nhẹ từ đỉnh 146,31. Đồng euro giảm 0,2% xuống 1,1224 USD.
Chỉ số USD Index tăng 0,2% lên 100,60 điểm. Đồng USD giảm 0,2% so với nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài, về mức 7,2278, tiến sát mức đáy trong tuần trước là 7,1846.
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục bị điều chỉnh giảm. Số liệu giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ (công bố trong tuần này) có thể cung cấp gợi ý sớm về tác động của thuế nhập khẩu đến lạm phát. Doanh số bán lẻ dự kiến đi ngang trong tháng 4 sau khi tăng vọt trước khi áp thuế.
Giới đầu tư cũng đang chờ báo cáo lợi nhuận từ Walmart (WMT.N) vào thứ Năm để đánh giá ảnh hưởng thực tế đến tiêu dùng, đặc biệt là với hàng hóa từ Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích tại ANZ dự báo: “Phải đến khi dữ liệu CPI tháng 5 được công bố, chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát. Tháng 6 là quá sớm để Fed hành động. Quý III, cụ thể là tháng 9, là thời điểm thực tế hơn”.
Thị trường tương lai điều chỉnh kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất. Xác suất cắt giảm trong tháng 6 chỉ còn 17%, giảm mạnh so với hơn 60% một tháng trước. Xác suất cho tháng 7 hiện ở mức 59%. Trong tuần này, nhiều quan chức Fed sẽ phát biểu, dẫn đầu là Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Năm.