Lên án hành vi 'mang thai hộ' với mục đích thương mại

Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết Thế giới ngầm 'cho thuê bụng', nhiều chuyên gia y tế cho rằng đây là hành vi cần phải lên án mạnh mẽ vì gây ra hậu quả rất khó lường, cần phải có giải pháp mạnh để xử lý triệt để.
mang thai hộ - Ảnh 1.

Đ.N. (phải) cho biết đã có 7-8 năm trong nghề môi giới “đẻ thuê” và đề nghị khách hàng ký các hợp đồng vay tiền “treo” để hợp thức hóa việc thanh toán “dịch vụ” - ẢNH: THU HIẾN

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 207/2025 quy định chặt chẽ về việc Bắt 2 chị em cầm đầu đường dây mang thai hộ giá 1,5 tỉ đồng

BS Nguyễn Hữu Trung, trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2 (TP.HCM), nhận định qua bài viết của Tuổi Trẻ, cần phải lên án mạnh mẽ hành vi "mang thai hộ" với mục đích thương mại, bảo vệ thân phận người phụ nữ. Có thể thấy đánh vào tâm lý lợi nhuận, dễ dàng kiếm tiền các nhóm người tổ chức, môi giới có thể dễ dàng đưa phụ nữ vào đường dây này, nhất là phụ nữ ở nhóm yếu thế, ở vùng thôn quê, rơi vào cảnh nợ nần…

Theo bác sĩ Trung, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định rất rõ và chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chỉ cho phép với những trường hợp như: vô sinh, bà mẹ có bệnh lý nội khoa nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ nếu có thai như suy tim nặng. 

Hoặc người phụ nữ hiếm muộn, đã thực hiện IVF, chuyển phôi nhiều lần thất bại do u xơ tử cung to; hoặc người phụ nữ bị ung thư cổ tử cung đã được mổ cắt tử cung để điều trị không còn khả năng mang thai; hoặc người phụ nữ bị bất thường bẩm sinh của tử cung như tử cung nhi hóa.

"Cho dù y học tiến bộ nhiều nhưng vẫn có những trường hợp sinh con bị các bệnh lý bẩm sinh nặng. Có những trường hợp sau khi sinh con, nếu phát hiện trẻ bị bất thường bẩm sinh, người nhờ mang thai hộ không chịu nhận con do trẻ bất thường thì trẻ sinh ra sẽ như thế nào, ai chăm lo"? Người mang thai dù đã tầm soát nhưng không phải lúc nào cũng chính xác 100%. 

Ngược lại khi sinh rồi, người thực hiện mang thai hộ không chịu giao con, vậy giải quyết ra sao? Do đó người dân, nhất là phụ nữ, cần cảnh tỉnh, nhận biết được rủi ro để bảo vệ chính bản thân mình", bác sĩ Trung nói.

Phải xử lý nghiêm

PGS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học, tội phạm học Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định việc "thương mại hóa" sinh sản thông qua hình thức "cho thuê bụng" đã trở thành một hiện tượng xã hội nhức nhối. Đáng lo ngại là nhiều phụ nữ xem đây như một cái nghề có thể hái ra tiền, thậm chí có trường hợp còn được sự đồng thuận từ người bạn đời.

Theo ông Vỹ, mang thai là một việc nặng nhọc, đánh đổi nhiều về tinh thần và sức khỏe, lại chỉ có thể thực hiện trong một độ tuổi giới hạn. Chính vì vậy, để "trụ" lại với thị trường này, không ít người đã chuyển sang làm môi giới. Và chính nhu cầu lớn từ cả hai phía: người cần con và người cho thuê bụng đã làm nảy sinh thêm một vấn nạn xã hội. 

"Điều đáng lo ngại hiện nay là sự tồn tại của những người điều hành, môi giới, bởi họ trục lợi rất nhiều từ cả người mua và người mang thai hộ, trong khi pháp luật chưa thể kiểm soát hết", ông nói.

Cũng theo ông Vỹ, những trường hợp như Tuổi Trẻ phản ánh chỉ là một trong nhiều đường dây đang âm thầm hoạt động để đáp ứng nhu cầu rất lớn từ "thị trường ngầm" này. Vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát, siết chặt và xử lý đúng pháp luật, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến tướng và lạm dụng.

mang thai hộ - Ảnh 2.

“Bén duyên” nghề “cho thuê bụng”, H.T.L. nuôi mộng làm giàu từ việc chuyển vai thành môi giới đẻ thuê - ẢNH: TRÚC QUYÊN

Hợp thức hóa hợp đồng mang thai hộ bằng các hợp đồng vay tiền "treo"

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của phóng viên, Đ.N. (33 tuổi) khoe có anh rể là bác sĩ sản khoa đang công tác tại một bệnh viện phụ sản có tiếng ở TP.HCM, báo giá 900 đến 930 triệu đồng cho một ca mang thai hộ trọn gói.

Với tầm chi phí đó, N. đảm bảo lo êm đẹp mọi giấy tờ bằng cách làm đồng thời 2 bộ hồ sơ. "Hai bộ hồ sơ nhưng cùng họ tên, cùng ngày tháng năm sinh. Bạn đó dùng CCCD của chị đi sinh. Để sau này có bằng chứng là chị cũng đi khám thai, cũng nhập viện đẻ, nên đó là con của chị. Sau khi sinh 2 tháng thì tụi em sẽ đi hủy hồ sơ của bạn kia, chừa lại hồ sơ của chị thôi", N. tỏ ra nhiều kinh nghiệm.

N. nói thường hồ sơ sẽ được làm tại các bệnh viện phụ sản lớn ở TP.HCM, nếu chọn bệnh viện tư thì chi phí có thể đội lên thêm 50 - 100 triệu đồng. Mặc dù không có hợp đồng chính thức do dịch vụ mang thai hộ nhưng để ràng buộc nghĩa vụ các bên và tránh rủi ro bị "lật kèo", N. tinh vi "hợp thức hóa" việc thanh toán tiền theo các giai đoạn bằng các hợp đồng treo.

N. giải thích giả sử trong giai đoạn làm hồ sơ IVF và mang thai hộ, N. cần thu của khách 100 triệu đồng thì hai bên sẽ ký một hợp đồng vay với nội dung khách cho N. vay 100 triệu đồng, lãi suất 0%. Thời hạn vay tương ứng với khoảng thời gian để N. hoàn tất hồ sơ.

Ngay sau khi hồ sơ hoàn tất, bàn giao tại bệnh viện, khách phải lập tức ký vào một tờ giấy xác nhận rằng đã nhận đủ tiền từ N., đồng thời cùng N. ra phòng công chứng để hủy hợp đồng vay trước đó.

Việt Nam có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong số này khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Thống kê của WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỉ lệ sinh thấp dần và tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến dịch vụ mang thai hộ ngày càng bị thương mại hóa.

Luật về mang thai hộ ra sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng hành lang pháp lý liên quan việc mang thai hộ hiện nay trên thế giới vẫn còn là một lĩnh vực mang nhiều ý kiến trái chiều.

Trong khi ở một số quốc gia, việc mang thai hộ bị cấm tuyệt đối dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào thì có rất nhiều quốc gia khác vẫn chấp nhận việc mang thai hộ nhưng chỉ cho phép trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó có Việt Nam.

Theo đó pháp luật Việt Nam tuyệt đối không cho phép hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, tức là một phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Mọi hành vi vi phạm việc mang thai hộ, tức mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo mà vì mục đích thương mại, sẽ phải chịu các chế tài xử phạt theo quy định pháp luật.

Đối với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị xem là phạm tội "tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" quy định tại điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó người này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc thậm chí bị phạt tù lên đến 5 năm.

Mới đây Chính phủ đã ban hành nghị định số 207/2025 quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định, chỉ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đối với các cặp vợ chồng vô sinh hoặc có chỉ định về y tế cũng như phụ nữ độc thân có nguyện vọng sinh con.

Lên án hành vi 'mang thai hộ' với mục đích thương mại - Ảnh 3.Điều tra: Phanh phui thế giới ngầm 'cho thuê bụng' giá 350-600 triệu đồng

Việc mang thai hộ đang bị các đối tượng lợi dụng tạo thành một thế giới ngầm "cho thuê bụng" với giá từ 350 đến 600 triệu đồng.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề