
Cảnh sát Lào triệt phá trung tâm lừa đảo trực tuyến trong đặc khu kinh tế Tam giác vàng - Ảnh: The Laotian Times
Cảnh sát Lào đã triệt phá một trung tâm lừa đảo trực tuyến lớn tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng, nơi nhiều nạn nhân như Suresh Singh bị ép buộc tham gia hoạt động lừa đảo. Với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Ấn Độ, Singh may mắn trở về quê hương sau hai tháng bị giam giữ.
Giấc mơ đẹp trở thành cơn ác mộng
Suresh Singh (31 tuổi) ở bang Telangana (Ấn Độ) biết tiếng Tamil và tiếng Telugu, muốn có việc làm lương cao ở nước ngoài.
Vào tháng 2-2024, anh tìm đến Công ty Ali International Services do Kamran Haider điều hành. Hắn hứa hẹn sẽ tìm cho anh công việc với mức lương ưu đãi và có chỗ ở đàng hoàng. Cùng với hai người khác, anh đến Kolkata (bang Tây Bengal) rồi bay sang Thái Lan, sau đó mua thẻ SIM và vượt biên giới sang Lào bằng xe buýt và thuyền.
Anh cảm thấy như sống trong mơ khi đến đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo. Có rất nhiều tòa nhà lớn, xe hơi sang trọng, tiệm mát xa, cửa hàng trang sức, các khu mua bán với cư dân xài toàn điện thoại iPhone.
Chẳng bao lâu, anh nhận ra giấc mơ đổi đời chỉ là cơn ác mộng. Người môi giới đưa anh tới đặc khu kinh tế đã bán anh cho bọn môi giới người Trung Quốc ở Lào với giá 200.000 rupee (2.330 USD). Sau đó anh bị ép buộc làm công việc
Ngày 12-1-2025, cảnh sát Lào và Trung Quốc đã hợp tác trấn áp các tổng đài lừa đảo trong đặc khu kinh tế Tam giác vàng và bắt giữ 41 công dân Trung Quốc. Bốn ngày sau, Lào đã chuyển giao các nghi phạm cho Trung Quốc - Ảnh: The Laotian Times
Tiền chảy vào túi bọn trùm ma túy
Trung tâm Điều phối tội phạm mạng (I4C) thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ ghi nhận trong ba năm qua số vụ tội phạm mạng nhắm vào Ấn Độ đã tăng 45%, chủ yếu từ các trung tâm lừa đảo ở Campuchia, Myanmar và Lào. Nhiều nạn nhân Ấn Độ cho biết công việc duy nhất của họ là dùng trò "bắt giữ qua mạng" để lừa đồng hương Ấn Độ.
Báo Deccan Herald (Ấn Độ) dẫn lời một điều tra viên tội phạm mạng cấp cao ở Bengalore nhận xét Dubai (nơi thường xuyên có công dân Ấn Độ tìm việc làm) đã trở thành địa điểm trung chuyển then chốt để rửa tiền lừa đảo.
Ông giải thích: "Thông qua hệ thống chuyển tiền ngoài ngân hàng (hawala) và nhiều cách khác, tiền lừa đảo được rửa ở nhiều cấp độ trước khi đến tay bọn trùm ma túy chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, đặc khu Hong Kong, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và bây giờ có thêm Bangladesh. Trong một số trường hợp, tiền lừa đảo được chuyển thành tiền điện tử ở Ấn Độ và gửi vào ví kỹ thuật số của bọn trùm ma túy".
Có nhiều cách để rửa tiền. Bọn trung gian lừa đảo ở Ấn Độ thuê dân địa phương đứng tên tài khoản và tiền được chuyển qua nhiều tài khoản để xóa dấu vết.
Cách phổ biến là thuê tài khoản của người dân vùng sâu vùng xa vốn không rành công nghệ. Ngoài ra, chúng có thể liên lạc mua lại toàn bộ tài khoản ngân hàng cùng sổ tiết kiệm, thẻ ghi nợ của ai đó.
Một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Bengalore giải thích: "Những lần liên lạc thường được thực hiện trên các chợ trên mạng xã hội và phòng trò chuyện.
Telegram và WhatsApp cũng là những kênh phổ biến hoặc qua Facebook và Instagram. Ai làm đều được hưởng hoa hồng".
Theo Tiến trình Bali (diễn đàn quốc tế về các vấn đề liên quan đến nạn buôn người), tiền từ các trung tâm lừa đảo cuối cùng chảy vào túi "các doanh nhân vô đạo đức và trong nhiều trường hợp đó chính là các viên chức và các quan chức thực thi pháp luật tham nhũng, những người đóng vai trò thiết yếu trong quá trình bôi trơn cho các hoạt động lừa đảo".
Báo cáo về nạn buôn người năm 2024 nhấn mạnh một số viên chức Thái Lan đã nhận hối lộ từ bọn môi giới và bọn đưa người qua biên giới nên bọn buôn người có thể hoạt động mà không lo bị trừng phạt.
Tháng 10-2024, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc công bố báo cáo với đầu đề "Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và vấn đề hội tụ của lừa đảo trực tuyến, hệ thống ngân hàng ngầm và đổi mới công nghệ ở Đông Nam Á: Bối cảnh các mối đe dọa đang thay đổi".
Báo cáo lưu ý tiền có nguồn gốc từ lừa đảo trực tuyến được dùng để sản xuất và buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí, buôn bán tình dục và thú cưng độc lạ. Thậm chí tiền còn được sử dụng để tài trợ cho các nhóm dân quân có liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar.
Trò lừa đảo "bắt giữ qua mạng"
Đầu tháng 12-2024, một giáo sư (58 tuổi) ở huyện Nainital (bang Uttarakhand) nhận được một cuộc gọi lạ với mã quốc tế +670 (Timor Leste). Người gọi xưng là sĩ quan Cục Điều tra trung ương (CBI) của Ấn Độ khẳng định ông bị nghi ngờ phạm tội rửa tiền nên bị quản thúc tại gia chờ truy xét. Ông phải tải Skype và bật camera thường xuyên để chịu giám sát.
Vị giáo sư nọ sống một mình, ít giao tiếp nên dễ bị thao túng tâm lý. Ông đã bị lừa chuyển 470.000 rupee (5.400 USD) trong sáu lần mà cứ tưởng tiền sẽ được trả lại sau thời gian điều tra. Ông còn ngây thơ đến mức xin phép bọn chúng mỗi khi đi làm và đi ăn uống bên ngoài với điều kiện tuyệt đối giữ bí mật. Sau 18 ngày dùng chiêu "bắt giữ qua mạng", bọn lừa đảo biến mất.
Hiện tượng "bắt giữ qua mạng" bắt đầu ở Ấn Độ vào cuối năm 2023. Bọn lừa đảo giả danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật trung ương hù dọa có lệnh bắt giữ nên nạn nhân không được rời khỏi nhà. Chúng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển khoản tiền để khỏi bị bắt giữ, bị truy tố hoặc bị xử phạt. Trong 10 tháng đầu năm 2024, chúng đã lừa được các nạn nhân chuyển khoản 21,4 triệu rupee (245.000 USD).
***************
Từ lời kể của các nạn nhân, ba nhà nghiên cứu ở Anh đã phân tích cụ thể nạn lừa đảo trực tuyến, từ đó xác định nạn lừa đảo trực tuyến và nạn buôn người có mối tương quan với nhau.
>> Kỳ tới: Lừa đảo và nạn buôn người mới
