Làm lung lay ngôi vương của Mỹ, một nền kinh tế đẩy mạnh công nghệ từ thế kỷ 19, sắp dẫn đầu cuộc đua đào “mỏ vàng” 1.000 tỷ USD cả thế giới thèm khát

Công nghệ từ thế kỷ 19 đang đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Làm lung lay ngôi vương của Mỹ, một nền kinh tế đẩy mạnh công nghệ từ thế kỷ 19, sắp dẫn đầu cuộc đua đào “mỏ vàng” 1.000 tỷ USD cả thế giới thèm khát- Ảnh 1.

Theo New York Times, Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI) so với Trung Quốc, đối thủ lớn nhất. Điều này là nhờ vào khả năng độc đáo của Thung lũng Silicon trong việc kết nối các nhà khoa học, doanh nhân và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, khả năng duy trì vị thế thống trị trong công nghệ thế kỷ 21 này lại phụ thuộc vào việc khai thác hiệu quả một công nghệ từ thế kỷ 19, đó là điện. Đây là thứ mà Trung Quốc - siêu cường số 1 châu Á đang đẩy mạnh và dần vượt qua Mỹ.

Hiện nay, AI là lĩnh vực cả thế giới theo đuổi. Theo hãng tư vấn Bain & Co., thị trường các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu đang 'phình to' và sẽ đạt gầm 1.000 tỷ USD vào năm 2027.

Việc phát triển các hệ thống AI tiên tiến đòi hỏi lượng năng lượng khổng lồ. Cốt lõi của quá trình huấn luyện các hệ thống này là hàng loạt chip máy tính chuyên dụng. Một ước tính cho rằng, quá trình huấn luyện GPT-4 – hệ thống AI mới nhất của ChatGPT – tiêu tốn lượng điện tương đương với mức tiêu thụ trong một năm của hàng nghìn hộ gia đình Mỹ.

Nhu cầu năng lượng đáng kinh ngạc này đã bắt đầu vượt qua những giới hạn thực tế. Lưới điện của Mỹ, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều thập kỷ, không được chuẩn bị để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu điện cho AI. Trên khắp nước Mỹ, các nhà đầu tư năng lượng đang chờ triển khai 2,6 terawatt công suất điện mới, chủ yếu từ năng lượng gió, mặt trời và pin lưu trữ. Tổng công suất phát điện chưa được kết nối với lưới điện đã tăng gấp khoảng tám lần kể từ năm 2014. Nếu được bổ sung, con số này sẽ tăng gấp ba lần công suất phát điện toàn quốc, đáp ứng nhu cầu tương lai của AI.

Tại Virginia (Mỹ), một trung tâm của các trung tâm dữ liệu, thời gian chờ để các trung tâm này kết nối với lưới điện có thể kéo dài tới bảy năm. Một số quận trong bang này thậm chí đã áp dụng giới hạn đối với trung tâm dữ liệu. Các dự án này đang bị đình trệ bởi một mạng lưới chính sách phân mảnh và quy trình phê duyệt kéo dài.

Ngược lại, Trung Quốc có thể biến các dự án hạ tầng – từ nhà máy điện, đường dây truyền tải tới toàn bộ trung tâm dữ liệu – từ bản vẽ thành hiện thực trong thời gian ngắn hơn rất nhiều. Vào tháng 12/2023, Trung Quốc đã xây dựng 34 đường dây siêu cao áp – dài hàng chục nghìn dặm – cho phép vận chuyển điện năng hiệu quả trên quãng đường dài, trong khi Mỹ vẫn chưa có đường dây nào tương tự.

Hiện nay, các công ty AI Trung Quốc hiện gặp khó khăn trong việc tiếp cận những con chip mới nhất do Mỹ thiết kế vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, không lâu nữa các loại chip thay thế được sản xuất tại Trung Quốc sẽ ra đời nhờ đổi mới. Khi điều này xảy ra, khả năng mở rộng nhanh chóng năng lượng của Trung Quốc có thể cho phép họ vận hành các cụm máy huấn luyện AI khổng lồ.

Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng công suất điện khoảng bảy lần. Năm 2023, theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, Trung Quốc đã bổ sung 355 gigawatt công suất mới, so với 29 gigawatt ở Mỹ. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng hơn 30 lò phản ứng hạt nhân mới, trong khi Mỹ chỉ thêm được 3 lò. Các dự án hạt nhân của Trung Quốc thường mất chưa đến bảy năm từ phê duyệt đến vận hành; trong khi đó, một số lò phản ứng mới nhất ở Mỹ mất hơn một thập kỷ để hoàn thành.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ không thể làm ngơ trước vấn đề này và trong một số trường hợp, họ đang tự tìm giải pháp. Microsoft gần đây đã ký thỏa thuận sử dụng điện từ một lò phản ứng hạt nhân không còn hoạt động tại nhà máy Three Mile Island – đủ để cung cấp năng lượng cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Google cũng công bố hợp tác đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo gần các trung tâm dữ liệu mới.

Tuy nhiên, tính cấp bách cũng buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải sử dụng các nguồn năng lượng từ than đá, điều này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm phát thải carbon. Do đó, Meta đang lên kế hoạch triển khai dự án khí đốt lớn ở Louisiana; Microsoft, Google và xAI của Elon Musk cũng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Dù những dự án này có thể chỉ ảnh hưởng nhỏ đến nỗ lực giảm phát thải carbon của Mỹ, chúng vẫn không đủ để giải quyết các giới hạn về năng lượng cho AI hay tháo gỡ các điểm nghẽn.

Qua đó thấy được vấn đề năng lượng tại Mỹ cần một cách tiếp cận toàn diện. Hệ thống điện của Mỹ cần được hiện đại hóa và mở rộng với các công nghệ sạch như năng lượng mặt trời và hạt nhân. Chính sách và quy định cũng cần thay đổi để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt cho các dự án quan trọng.