"Hằng ngày, cái nào xanh được thì mình xanh, như hạn chế dùng đồ nhựa một lần, trồng thêm cây xanh nếu có thể, tiết kiệm điện nước, không chi nhiều cho thời trang, mỹ phẩm... Mình cảm thấy yên lòng khi sống như vậy, không có cảm giác có lỗi hay đang làm sai", chị Trần Thị Thủy (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.
Sống xanh trong thói quen sinh hoạt, cách dạy con...
Trong môi trường ngập tràn rác thải và nhiều người vẫn đang "vô tư" xả
Một số cửa hàng, siêu thị tại TP.HCM dùng túi giấy gói hàng cho khách, góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: YẾN TRINH
Ống hút giấy và ly tre thân thiện môi trường ở một quán ăn tại quận Bình Thạnh - Ảnh: YẾN TRINH
Tập cho mình lối sống xanh hai năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng Sương (31 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) chọn làm việc cho một công ty sản xuất bao bì thân thiện môi trường.
Sương cho biết lúc trước vẫn xài ly nhựa dùng một lần. Nhưng từ lúc nhận thức được tác hại rác thải nhựa tới môi trường sống, sức khỏe, chị bắt đầu tìm hiểu về các sản phẩm thân thiện môi trường. Chị sắm bình giữ nhiệt để uống nước, bên trong bằng inox, bên ngoài bằng tre.
Đọc những thông tin về vấn đề ô nhiễm nhựa diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên Trái đất khiến chị không khỏi giật mình. Đây là vấn đề cấp thiết, mang tính toàn cầu, đòi hỏi mỗi người dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải chung tay hành động.
"Lúc mới thực hiện lối sống mới tôi chưa quen. Trước xài đồ nhựa lâu rồi, mới thay đổi sẽ khó khăn. Thường tôi uống ly nhựa xong sẽ bỏ nhưng bây giờ phải thêm thao tác chùi rửa bình nước. Mỗi một hành động nhỏ của mình, mình đều nghĩ là đang góp phần bảo vệ môi trường thì sẽ có động lực hơn", chị nói.
Người thân cùng hưởng ứng
Động viên người thân trong gia đình cùng sống xanh, Sương kể ban đầu gặp nhiều bất tiện. Đầu tiên chị mang bao bì sinh học tự hủy, ống hút từ bột ngô, ống hút giấy... về để bố mẹ và anh chị trong nhà dùng thử.
Sau một thời gian, các loại bao bì nhựa trong nhà chị ít dần đi, rác thải nhựa của gia đình giảm đáng kể. "Xưa ông bà đi chợ về sẽ lấy túi ni lông chứa đồ bỏ trong tủ lạnh, còn bây giờ dùng túi vải đi chợ, sử dụng túi sinh học thay thế túi ni lông truyền thống", chị hào hứng khoe.
Ngoài việc hạn chế thải rác nhựa bằng những hành động nhỏ từ bản thân, gia đình, Sương tham gia các hoạt động tuyên truyền, mang lối sống xanh đến với cộng đồng. Theo chị, mọi lứa tuổi đều có thể góp phần hành động, không riêng gì giới trẻ.
Đặc biệt chị luôn tích cực thu gom rác thải, các sản phẩm nhựa có thể tái chế, pin... tham gia các chương trình lấy rác đổi quà được tổ chức tại nhiều nơi ở TP.HCM. Chị đổi lấy nhiều cây xanh mang về chăm sóc, trang trí ở nhà và chỗ làm.
Chị thường xuyên dành những ngày cuối tuần đi dọn dẹp, làm xanh thành phố. Thông qua những hoạt động cộng đồng để tái tạo năng lượng, sống và làm việc tích cực hơn.
Đến trạm refill, đi hội chợ xanh
Chung tay để các bạn trẻ vững tin sống xanh, nhiều mô hình mua sắm, xu hướng thân thiện môi trường ra đời. Trong đó, mô hình trạm đổ đầy lại (refill) là một nét thú vị.
Chiều mát, tại một trạm refill ở quận 3, hai bạn trẻ ghé vào chọn chai sữa tắm 300ml. Ngọc Diệp (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết mình rất hứng thú với mô hình này: "Xuất phát từ nhu cầu dùng mỹ phẩm hữu cơ lành tính đã dùng qua nhiều nhãn hiệu, nay tôi chuyển sang dùng thử dòng này. Đọc thông tin thấy các bạn có hình thức refill nên tôi ưu tiên hơn, xem như một việc làm bé nhỏ hạn chế rác nhựa ra môi trường".
Cạnh những chai lọ xinh xắn, một chiếc kệ với những túi refill xếp ngay ngắn kèm hướng dẫn.
"Bạn có thể đem vỏ chai của chúng tôi đến để làm đầy lại, hoặc vỏ chai bất kỳ. Bạn cần làm sạch vỏ chai, chọn sản phẩm muốn tái nạp, nhớ ghi chú hạn sử dụng vì sản phẩm thiên nhiên thường sẽ có hạn sáu tháng sau khi mở nắp", nữ nhân viên vui vẻ nói. Với người muốn trải nghiệm, tiệm có hình thức làm đầy chỉ 100ml dùng thử.
Theo Ngọc Trúc - quản lý cửa hàng, thương hiệu áp dụng hình thức này hai năm nay. Cuối tuần cửa hàng sẽ để một quầy lưu động phía ngoài tăng sự tương tác. Hình thức đổ đầy lại giúp khách hàng tiết kiệm 30 - 50% chi phí so với việc mua chai mới, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Việc này giúp giảm bớt chi phí sản xuất, giảm bớt thời gian vì sản phẩm sẽ vào thẳng túi refill, không qua khâu băng chuyền đóng nắp, bọc màng co so với chai nhựa...
Mở cửa đến gần 22h mỗi ngày, Trúc chia sẻ: "Chúng tôi cũng học hỏi những mô hình refill khác. Ở đây chúng tôi có những khách hàng ưa chuộng refill nhiều độ tuổi. Có khách còn mang chai thủy tinh để đựng".
Khách mua hàng còn được tặng túi vải màu xanh hữu dụng. Theo chị, sự gia tăng của khách hàng chọn mô hình này là dấu hiệu tốt, cho thấy người dùng quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường.
Tương tự, TP.HCM hiện nay có nhiều "tiệm đổ đầy lại" với mô hình hoạt động tương tự. Ngoài ra, những hội chợ, ngày hội sống xanh, chương trình đổi rác lấy quà, đổi pin lấy cây xanh... là điểm hẹn thường xuyên của những bạn trẻ yêu môi trường.
Có thể thấy việc thay đổi thói quen sống, tiêu dùng hằng ngày là điều không dễ. Tuy nhiên khi nhận thức tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, sức khỏe của bản thân và gia đình, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn hành động ngay.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
Bên cạnh những hình ảnh đáng lo về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đang bị xả lăn lóc khắp nơi, thực tế cũng có những dấu hiệu tích cực lan tỏa. Nhiều lần chúng tôi nhìn thấy hình ảnh các bạn trẻ đi siêu thị, cửa hàng, bỏ bớt lại bao ni lông bọc đồ dù đó là loại bao nhanh tự tiêu hủy.
Các bạn nói người bán cứ bỏ hết đồ vào một bao, không cần phải chia nhiều bao. Họ còn cho biết về nhà sẽ tận dụng lại những bao này nhiều lần nhất có thể, chứ không vứt ngay ra thùng rác. Nhiều bạn cũng lướt nhanh qua quầy hàng chén đĩa và các loại đồ nhựa dùng một lần. Họ không chọn những thứ này dù tiện dụng và rẻ tiền.
Bạn Nguyễn Quốc Hương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nói lên điều mong mỏi: "Chúng em làm những điều này để góp phần bảo vệ môi trường và hy vọng sẽ lan tỏa đến nhiều người khác. Một người khó trồng được cả cánh rừng nhưng mỗi người cùng góp vào một cây xanh sẽ trồng nên cả cánh rừng lớn".
**********
Không chỉ đơn thuần đi gom rác thải, các bạn còn lan tỏa thông điệp, ý thức về rác thải độc hại và cho thấy rác nhựa bị xả ra môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.
>> Kỳ tới: Những người xin đi... nhặt rác