Khó kìm giá thịt heo Tết

Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM cam kết sẽ gồng mình giữ giá thịt heo trong dịp Tết sắp tới

Chị Nguyễn Hồng (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) thường đi chợ gần nhà và mua thịt heo tại mối quen nên ít khi hỏi giá cả, chỉ lựa hàng và cân tính tiền. Gần đây, chị thấy lượng thịt ít hơn hẳn nên hỏi người bán thì được phân trần là hàng mua vào tăng giá nên phải bán giá cao.

"Nóng mặt" với giá thịt

Đáng chú ý, giá thịt heo không chỉ tăng ở các chợ truyền thống của TP HCM mà các cửa hàng thực phẩm lớn cũng âm thầm thay giá mới. Ngày 31-12-2024, ghi nhận tại cửa hàng thực phẩm San Hà (đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh), một số mặt hàng có bảng giá mới, mức tăng khoảng 2.000 - 5.000 đồng/món, như thịt ba rọi có giá 139.000 đồng/kg, ba rọi sườn heo 150.000 đồng/kg, sườn non 173.000 đồng/kg, nạc đùi 107.000 đồng/kg…

Giá thịt heo tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng không thuộc điểm bán hàng bình ổn thị trường cũng điều chỉnh tăng 2,35% - 5,9%, tương đương mức tăng giá heo hơi.

Ngay cả giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM cũng vừa được duyệt tăng bình quân 3.000 - 6.000 đồng/kg tùy loại từ ngày 30-12-2024. Cụ thể, giá bán bình ổn mặt hàng nạc vai, đùi từ 162.000 đồng/kg lên 166.000 đồng/kg, thịt cốt lết từ 142.000 đồng/kg lên 147.000 đồng/kg, thịt heo đùi từ 122.000 đồng/kg lên 125.000 đồng/kg, thịt vai từ 138.000 đồng/kg lên 144.000 đồng/kg… Mức giá này vẫn thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng loại trên thị trường từ 5% - 25%.

Ở góc độ người kinh doanh, ông Lê Nguyên Hùng, chủ cơ sở Bà Chín - nem Thủ Đức (TP Thủ Đức), cũng "nóng mặt" vì giá nguyên liệu tăng quá mạnh nhưng giá nem không thể tăng vì thị trường đang ế. Cụ thể, nguyên liệu chính để làm nem là thịt nạc đùi sau, vài tháng trước chỉ 88.000 đồng/kg nay lên 98.000 đồng/kg, da heo lưng từ 35.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg, riêng giá bán ra vẫn giữ nguyên ở mức 200.000 đồng/kg. "Không hiểu sao đến giờ mà nhà hàng, tiệc cưới rất ít đặt hàng, bán lẻ cũng chậm, mỗi ngày cơ sở tôi chỉ bán được khoảng 50 kg nem, có tuần chỉ làm 3 ngày vì hàng bán ra quá chậm" - ông Hùng than.

Theo ông Hùng, thông lệ hằng năm từ 23 tháng chạp, lượng hàng bán ra đạt khoảng 100 - 200 kg/ngày và giá bán tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg do giá thịt heo khi đó mới tăng còn nay mới đầu tháng chạp mà giá nguyên liệu đã tăng nên cơ sở không thể tăng giá. "Một số mối đặt hàng nhưng chúng tôi không dám nhận vì không chốt được giá. Lỡ khi đó giá thịt heo tăng nữa, làm ra chỉ có lỗ nên thà nghỉ sớm còn hơn" - ông Hùng bộc bạch.

Khó kìm giá thịt heo Tết- Ảnh 1.

Giá thịt heo bất ngờ tăng mạnh vào những ngày cuối năm âm lịch. Ảnh: AN NA

"Gồng mình"

Giải thích về việc tăng giá thịt heo bình ổn sát thời gian áp dụng "khóa giá" hàng bình ổn thị trường trước Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Nguyễn Ngọc Thảo cho biết mặc dù mức tiêu thụ thịt heo của người dân hiện chưa cao nhưng để bảo đảm doanh nghiệp duy trì hoạt động, người dân sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng với mức giá ổn định trong giai đoạn sắp tới, tổ công tác bình ổn thị trường TP HCM chấp thuận điều chỉnh giá thịt heo bình ổn bình quân tăng 3,87%, tương ứng tăng 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết tính đến sáng 31-12-2024, giá heo hơi đã tăng lên mức 69.000 đồng/kg, dự báo sẽ tiếp tục tiến đến mốc 70.000 đồng/kg. "Tuy nhiên, hiện đã bước vào 1 tháng trước Tết, doanh nghiệp đã cam kết giữ ổn định giá các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM nên dù có biến động thế nào, Vissan cũng phải "gồng mình" giữ giá" - ông Dũng nói.

Thực tế, giá thịt heo tăng cao nhưng sức mua thịt heo tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan vẫn thấp, giảm đến 15%-20% so với cùng kỳ năm ngoái. "Thị trường Tết năm nay dự báo sẽ rất chậm, chỉ sôi động trong những ngày sát Tết nên dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng phải giữ giá, giảm giá, khuyến mãi để kích cầu" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, Vissan đang xem xét cắt giảm chi phí sản xuất/vận hành/kinh doanh đồng thời xin phép cổ đông hy sinh lợi nhuận quý IV/2024 và quý I/2025 để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P), cũng cho biết những ngày gần đây, nhu cầu thịt heo đã chững lại và dự báo từ nay đến Tết sẽ khó tăng nóng. Giá heo hơi C.P đang ở mức 63.000 - 68.000 đồng/kg, tùy loại.

Trong khi cách đây 1 tháng, nhu cầu từ các cơ sở chế biến (thịt nguội, lạp xưởng, chà bông…) tăng mạnh, nguồn cung lại hụt do rất nhiều trang trại của các công ty lớn, trong đó có C.P, không bảo đảm về chỉ tiêu môi trường bị tỉnh Đồng Nai yêu cầu di dời. Riêng C.P bị hụt đàn đến 80.000 con khi chưa tìm được vị trí mới để thay thế. "Từ nay đến Tết, nguồn cung heo hơi dồi dào hơn khi một số trang trại chuyên nuôi heo vỗ béo đến thời điểm xuất chuồng" - ông Huy nhận định. 

Đến lượt thịt bò tăng giá

Bà Phạm Thị Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu chăn nuôi Vũ Yến (Đồng Nai; chuyên chăn nuôi, giết mổ bò thịt và chế biến các sản phẩm từ thịt bò), thông tin giá bò hơi vừa tăng 4.000 đồng/kg, lên khoảng 77.000 đồng/kg. Nguyên nhân là vì bò sống từ Úc nhập khẩu về đợt này tăng lên 3,2 USD/kg, từ mức 2,7-2,8 USD/kg đợt nhập trước. Vì vậy, giá thịt bò cũng tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Cũng theo bà Phượng, thị trường thịt bò và các sản phẩm từ bò đang bị cạnh tranh khốc liệt về giá. Cuối năm, nguyên liệu tăng nhưng nhiều mặt hàng chế biến từ thịt bò lại tăng cường khuyến mãi. Ví dụ, bò khô trên thị trường nhiều nơi chỉ bán 400.000 - 500.000 đồng/kg trong khi chi phí sản xuất từ 650.000 - 670.000 đồng/kg, tức giá bán lẻ phải hơn 700.000 đồng/kg mới hợp lý. "Nếu thịt bò khô quá rẻ thì chỉ có thể là thịt trâu đông lạnh hoặc thịt heo nái giả thịt bò" - bà Phượng nói.