Các biện pháp Mỹ cứng rắn áp thuế nhập khẩu: Nhìn từ Việt NamTrung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ, thổi bùng thương chiếnCanada, Mexico nhượng bộ gì để ông Trump hoãn áp thuế?
Nhưng trên hết, đây được coi là công cụ chính trị mà ông Trump buộc các quốc gia khác phải nhượng bộ nhằm mang lại thắng lợi cho chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Trump.
Về mặt tính toán lợi ích chi phí, hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý các biện pháp thuế quan trên diện rộng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, gây tổn hại cho người lao động và người tiêu dùng.
Chưa hết, thuế quan còn tạo ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng không cần thiết và thúc đẩy lạm phát. Các chính sách trả đũa từ các quốc gia bị áp thuế quan (như Trung Quốc đã làm) cũng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại và gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế mở vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, có thể phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ nếu cuộc chiến thuế quan của ông Trump leo thang và mở rộng.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu bị áp thêm các hạn chế thương mại bổ sung khi Mỹ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo số liệu từ phía Mỹ tính đến tháng 11-2024, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 113,1 tỉ USD trong quan hệ thương mại song phương.
Trong số tất cả các đối tác thương mại, Việt Nam là quốc gia mà Mỹ có thâm hụt mậu dịch lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. Điều này có thể khiến Việt Nam là một "đối tượng" được ngắm nghía trong thời gian sắp tới.
Mặc dù Việt Nam đang thể hiện tốt là một đối tác thương mại đáng tin cậy và bình tĩnh nhưng cũng đã đến lúc chúng ta bắt đầu vạch ra các kế hoạch phòng thủ dự kiến cho quan hệ thương mại với Mỹ.
Trong lúc các chính sách cụ thể tác động tới Việt Nam của ông Trump vẫn chưa xuất hiện nhưng việc chuẩn bị phản ứng ngay bây giờ là không bao giờ thừa.
Cách tiếp cận đầu tiên là thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã ký kết vào năm 2023. Đối thoại tìm điểm chung để cải thiện mối quan hệ thương mại luôn là phương cách được khuyên đầu tiên trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam có thể nghiên cứu đàm phán các lĩnh vực mà mình có thể mua thêm sản phẩm của Mỹ nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại mà Mỹ hiện có với Việt Nam. Đây là vấn đề mà ông Trump quan tâm nhiều nhất.
Đối với trong nước, Chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác cùng nhau để phát triển một biện pháp đối phó với các kịch bản thay đổi khác nhau trong chính sách thương mại của Mỹ.
Các cơ quan ban ngành liên quan cũng nên lên danh sách các mặt hàng hay các ngành có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan nếu có của ông Trump.
Chính sách hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực cũng cần được suy tính bắt đầu từ nay.