Khi golf kết nối doanh nhân và chính khách

Không chỉ là môn thể thao quý tộc, golf còn là nơi vun đắp những mối quan hệ ngoại giao với doanh nhân và chính khách.
Golf

Khi golf kết nối doanh nhân và chính khách

Phạm Sông Thu • 01/12/2024 17:15

Không chỉ là môn thể thao quý tộc, golf còn là nơi vun đắp những mối quan hệ ngoại giao với doanh nhân và chính khách.

Có cơ duyên đến với sân golf từ rất sớm nên tôi có được những trải nghiệm thú vị về môn chơi này. Ngoài việc học được kiến thức chuyên môn, tôi còn có cơ hội gặp được nhiều chính kháchdoanh nhân thành đạt nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ngoại giao trên... sân golf

Qua các giải golf của ngành ngoại giao, đặc biệt giải golf Kỷ niệm 35 năm Thiết lập quan hệ Việt - Nhật (2003), là thành viên trong ban tổ chức nên tôi may mắn gặp được nhiều nhà ngoại giao trong nước và quốc tế. Hình ảnh luôn thu hút sự chú ý của những người làm báo như tôi mỗi khi ra sân golf là những chính khách VIP, trong số đó phải kể đến cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - một người có công rất lớn thúc đẩy phong trào golf phát triển trở lại sau thời gian dài đất nước bị cấm vận với thế giới bên ngoài.

the-thao_golf-2.jpgDoanh nhân Lê Xuân Phương - người sáng lập một thương hiệu nước tương nổi tiếng, cũng là tay golf đang giữ kỷ lục 14 lần chiến tháng hole-in-one tại các giải golf trong và ngoài nước.

Một nhân vật khác luôn khiến cánh phóng viên phải “việt vị” mỗi khi bước lên vị trí phát bóng đó là cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, bởi ông sở hữu cú swing tay trái. Tôi còn nhớ ở Giải Golf Doanh nhân chung tay vì người nghèo tổ chức tại sân golf Long Thành, bác Khoan được ban tổ chức xếp phát bóng khai cuộc. Như thường lệ cứ nghĩ bác phát bóng tay phải nên cánh phóng viên chiếm lĩnh vị trí tốt để chụp cho được bức ảnh cận cảnh thế swing, ai ngờ, bác đánh tay trái nên tất cả chỉ nhìn được... sau lưng!

Hôm đó, duy chỉ mình tôi đứng phía đối diện nên chụp được tấm hình cận mặt đúng thế setup chuẩn bị swing do đã từng liệt vị một lần ở Giải Golf Carlsberg Master tổ chức tại sân Chí Linh vào năm 2005.

Cũng trong thời gian ấy, tôi thường gặp những chính khách hay cán bộ trong ngành ngoại giao, bây giờ đang giữ vị trí thứ trưởng, bộ trưởng, thấp nhất cũng là đại sứ ở một quốc gia.

Không phòng họp nào “đàm phán” tốt hơn sân golf

Cũng nhờ phụ trách nội dung một tạp chí golf nên hầu như các giải golf uy tín của các thương hiệu nổi tiếng như Vertu, Mercedes Trophy, HSBC, Thai Airways, Pesico, Toyota... tôi đều kinh qua nên có cơ hội tiếp xúc phần lớn doanh nhân nổi tiếng. Các doanh nhân như Lê Kiên Thành, Phạm Phú Ngọc Trai, Lê Văn Kiểm, Trần Lệ Nguyên, Nguyễn Trọng Thăng, tổng giám đốc các công ty nước ngoài như Mercedes-Benz, HSBC, Indochina Capial, CEO của các sân golf Novotel, Sofitel, hay chuyên gia golf, nhà đầu tư, thiết kế sân golf nổi tiếng thế giới như Nick Faldo, Geg Normam, Cashmore...

the-thao_golf-1.jpegGiới doanh nhân coi golf là môn thể thao kết nối, bàn chuyện làm ăn, hợp tác.

Có thể nói không có phòng họp nào mang lại không khí và kết quả chia sẻ đàm phán tốt hơn sân golf. Đó là mẫu số chung được đúc kết sau khi tôi có cơ hội trò chuyện, phỏng vấn hàng trăm doanh nhân.

Sau này, tôi càng “có đất” để viết chân dung doanh nhân thể hiện đậm nét tính cách, số phận, hậu trường, con đường dẫn đến thành công trong kinh doanh cũng như cuộc sống của họ. Một trong số các nhân vật tôi thích nhất là doanh nhân Lê Xuân Phương, người sáng lập một thương hiệu nước tương rồi bán lại cho ông chủ sở hữu thương hiệu Chin-Su hiện nay. Doanh nhân này cũng là tay golf Việt Nam đang giữ kỷ lục thắng giải hole-in-one nhiều nhất đến thời điểm này.

Cũng nhờ thời gian gắn bó với golf mà tôi có được cơ hội gặp và chia sẻ với hàng trăm doanh nhân chơi golf, trong đó có doanh nhân trong nước, doanh nhân quốc tế và chính khách.