Khắc phục sạt lở đường giao thông mới nâng cấp ở Cần Thơ

Ngày 14-5, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết vẫn đang theo dõi diễn biến vụ sạt lở đoạn đường giao thông mới đưa vào sử dụng tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Khắc phục sạt lở đường giao thông mới nâng cấp ở Cần Thơ - Ảnh 1.

Một đoạn đường giao thông vừa nâng cấp đã bị sạt lở khiến giao thông bị chia cắt - Ảnh: T.LŨY

Theo đó, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 13-5, làm sụt một đoạn đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng (cách cầu Mương Khai khoảng 400m về hướng quốc lộ 91).

Đại diện Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ô Môn cho biết tuyến đường xảy ra sự cố sạt lở dài 4,15km, đây là tuyến đang được nâng cấp mở rộng với kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Khu vực sạt lở đã được nhà thầu thi công hoàn thiện từ cuối năm 2024. Đơn vị cùng ngành chức năng đang phối hợp kiểm tra, tìm nguyên nhân để đưa ra phương án khắc phục.

Theo ghi nhận tại hiện trường, tổng chiều dài sạt lở 46m, ngang 4m (trong đó sạt lở hoàn toàn 30m, rạn nứt sụt lún khoảng 16m), làm ảnh hưởng tuyến lộ giao thông. Đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền 4-5m, sụt gần toàn bộ mặt đường với độ sâu 0,5-2m, chia cắt việc đi lại của người dân địa phương qua khu vực.

Khắc phục sạt lở đường giao thông mới nâng cấp ở Cần Thơ - Ảnh 2.

Sạt lở ăn sâu và gần khu vực nhà dân - Ảnh: T.L.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho hay rất may thời điểm xảy ra sạt lở không có phương tiện qua lại nên không có thiệt hại về người. Vụ sạt lở hiện chưa ảnh hưởng đến nhà dân ven đường, tuy nhiên vị trí sạt lở cũng đã tiến sát đến nhà dân xung quanh.

Hiện tại, khu vực đã được giăng dây, đặt biển báo cảnh báo người dân không qua lại, đồng thời các lực lượng đang được huy động để khắc phục hậu quả, di dời khi có sự cố sạt lở thêm. Địa phương đang huy động lực lượng làm đường tạm vòng qua khu vực này để người dân đi lại thuận tiện.

Theo người dân sống gần vị trí sạt lở cho biết khoảng gần 3h sáng 13-5, khi đang ngủ thì nghe tiếng động do mấy cây dừa ven kênh bị nghiêng, trái dừa rụng xuống sông. Chạy ra xem thấy bờ sông và đoạn đường bắt đầu sụt xuống, kéo dài gần một giờ mới ngưng. Hiện tại sạt lở chưa ảnh hưởng đến nhà cửa, nhưng nếu tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở nhà cũng xảy ra, nhiều hộ dân cho biết cũng đang sống trong lo âu phải di dời.

Người dân địa phương cho biết tình trạng sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn đã diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Chính quyền cũng đã triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có giải pháp xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

Mới đây tại quận Ô Môn, thành phố đã triển khai xây dựng công trình kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn qua địa bàn phường Thới An với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 130 tỉ đồng, với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 - 2026. 

Đồng thời để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở trong năm 2024, Cần Thơ cũng đã xây dựng 12 công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý 2.105m. Tuy nhiên nguy cơ sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra nhiều nơi, đe dọa tính mạng tài sản của nhà nước và người dân.

 - Ảnh 3.Nhiều tuyến giao thông ở Cà Mau vẫn bị chia cắt sau 1 năm sụt lún

Năm 2024, huyện Trần Văn Thời có hơn 170 tuyến đường bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Đã hơn một năm nhưng việc khắc phục vẫn còn dở dang, chia cắt giao thông.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề