'Kể cả VN-Index tăng lên 1.700 điểm, vẫn có nhà đầu tư bị thua lỗ'

Tại hội nghị "Tái thiết tăng trưởng - Định hình chiến lược đầu tư" diễn ra vào ngày 26-7, chuyên gia của VIB dự báo VN-Index nếu thuận lợi có thể lên 1.600 điểm vào cuối năm nay.
kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

Hội nghị thu hút các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư - Ảnh: BÔNG MAI

"Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tiến vào nhóm nước có thu nhập cao, cần tái định hình lại cấu trúc tăng trưởng, đặc biệt là khối tư nhân", ông Trịnh Duy Viết - giám đốc phân tích chứng khoán Kafi - chia sẻ tại hội nghị.

Gỡ nút thắt, cởi trói tâm lý cho kinh tế tư nhân

Theo ông Viết, kinh tế tư nhân nổi lên như một động lực chính, đóng góp khoảng 51% GDP, tạo ra trên 40 triệu việc làm, tương đương hơn 80% tổng lực lượng lao động cả nước.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, lợi nhuận chung của nhóm tư nhân có xu hướng tăng nhanh hơn so với doanh nghiệp nhà nước.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân: Xóa rào cản vô hình từ thủ tục hành chínhĐỌC NGAY

Do vướng mắc nhiều cơ chế chính sách, nên doanh nghiệp tư nhân từng có giai đoạn bị chững lại so với nội lực.

Tuy nhiên, thông qua bốn nghị quyết (57, 59, 66 và 68) ban hành gần đây, kinh tế tư nhân được xem là một trong "bộ tứ trụ cột", bên cạnh các mảng khoa học - công nghệ - chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, xây dựng và thi hành pháp luật.

Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn đang được hưởng lợi trước mắt với định hướng phát triển doanh nghiệp cấp quốc gia. Nhà nước và Chính phủ đang trao quyền, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm.

Điển hình như Tập đoàn FPT phát triển hạ tầng số, trung tâm dữ liệu quốc gia... Hay mở ra cơ hội tham gia dự án theo PPP (mô hình đối tác công - tư) tại các lĩnh vực đầu tư công, công nghiệp, phát triển đô thị... giúp Vingroup, Hòa Phát, Thaco… có thể tham gia đầu tư.

Giai đoạn 2026 - 2035, "khơi thông điểm nghẽn và phát triển hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam", ông Duy Viết đánh giá. Dự kiến triển khai các dự án lớn như phát triển cảng hàng không và cảng biển (20 tỉ USD), đường sắt đô thị (60 tỉ USD), đường sắt quốc gia (80 tỉ USD), tháo gỡ 2.981 dự án bị vướng mắc (235 tỉ USD), đầu tư hạ tầng năng lượng (250 tỉ USD)...

Việt Nam trở thành điểm đến hút dòng vốn ngoại

Chỉ số VN-Index vừa chính thức cán mốc 1.531 điểm vào cuối tuần này, cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời cách đây 25 năm, tăng gần 21% so với hồi đầu năm nay.

Trước diễn biến tích cực, ông Lê Duy - giám đốc đầu tư cao cấp của quỹ VOF thuộc VinaCapital - nhận định nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều lợi thế, lạc quan. Dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 7,5 - 8%, kéo theo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng khoảng 15% trong năm - trong đó doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò chủ lực.

Theo ông Nguyễn Quốc Văn - chuyên viên cấp cao của Kafi, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Nổi bật như mức thuế đối ứng nằm trong nhóm cạnh tranh hàng đầu, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI. Bên cạnh đó, các yếu tố phi thuế quan như ổn định địa chính trị, chính sách kinh tế nhất quán... cũng tạo lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Việt Nam - giám đốc ban quan hệ đầu tư VIB - cho biết khoảng hai năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã áp dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng (room) dựa theo điểm số của bản thân thay vì xin - cho như trước, phân bổ dựa trên năng lực tài chính và rủi ro, đến đúng nơi cần, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, cơ chế mới sẽ được ban hành giúp các ngân hàng tăng trưởng lành mạnh và đảm bảo an toàn xã hội.

Với quyết tâm từ Chính phủ cũng như nhiều bên, ước tính tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay đạt khoảng 10%, mức tăng ấn tượng so với những năm trước, phản ánh sự phục hồi ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Dự báo con số này có thể lên tới 17 - 20% vào cuối năm.

Với nhiều thuận lợi về vĩ mô, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể quan tâm đến cổ phiếu của những nhóm ngành hưởng lợi trong giai đoạn tới gồm bất động sản, vật liệu xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ...

Tuy nhiên, chuyên gia VinaCapital Lê Duy cũng lưu ý: "Kể cả nếu VN-Index tăng lên 1.700 điểm, vẫn có nhà đầu tư bị thua lỗ". Do đó, khi đầu tư, không cần quá chăm chăm vào dự báo VN-Index, mà còn phải chọn ngành và tìm ra cổ phiếu phù hợp, có thể dựa vào tính hợp lý của định giá cũng như tiềm năng tăng trưởng tốt, tìm kiếm cơ hội vượt trội.

VN-Index có thể đạt 1.600 điểm? 

Theo phía VinaCapital, định giá chứng khoán Việt vẫn đang ở mức hợp lý. Chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) dự báo năm 2025 khoảng 13 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 19-23 lần trong giai đoạn đại dịch COVID-19, thấp hơn nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Chưa kể, FTSE đang tích cực đánh giá khả năng nâng hạng thị trường Việt Nam, để nâng từ cận biên lên mới nổi. Hệ thống công nghệ thông tin mới đưa vào vận hành, cũng tạo cơ hội để phát triển nhiều sản phẩm hơn trên thị trường chứng khoán.

Những nhóm ngành có thể hưởng lợi trong giai đoạn tới gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ...

Về dự báo kịch bản của VN-Index, chuyên gia của Kafi cho rằng đến cuối năm 2025 sẽ rơi vào vùng cộng trừ 1.550 điểm. Trong khi chuyên gia của VIB dự báo VN-Index có thể rơi vào tình huống xấu, về dưới vùng 1.400 điểm (Cục Dự trữ liên bang Mỹ không hạ lãi suất, chứng khoán Việt không được nâng hạng), nhưng nếu thuận lợi có thể đạt 1.600 điểm.

Phải xem trọng và gỡ nút thắt kinh tế tư nhân, Việt Nam mới sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 2.Khi kinh tế tư nhân gánh vác trọng trách quốc gia

Nếu đặt kinh tế tư nhân ở vai trò trung tâm, có không gian phát triển, lực lượng này sẽ tạo đột phá mạnh mẽ đưa Việt Nam phát triển thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề