Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực

Tỉnh Gia Lai đang triển khai mạnh mẽ đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao giai đoạn 2025-2030, với trọng tâm là đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ có hơn 7.500 nhân lực trong các lĩnh vực này.

Định hướng phát triển nhân lực công nghệ cao

Tỉnh Gia Lai triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao với mục tiêu đào tạo hơn 7.500 nhân lực trong lĩnh vực này. Từ đầu năm 2025, tỉnh khởi động đề án này với sự tham gia thực hiện của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Theo đó, Đề án của tỉnh tập trung vào 4 ngành chính: Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành thiết kế vi mạch); Vật lý kỹ thuật (chuyên ngành công nghệ gia công đóng gói - kiểm thử vi mạch); Trí tuệ nhân tạo; và Công nghệ thông tin (chuyên ngành an toàn - an ninh mạng).

Với đề án này, Trường Đại học Quy Nhơn được giao vai trò chủ lực trong việc thực hiện đề án, với hệ thống phòng thí nghiệm trị giá 120 tỷ đồng. Cùng tham gia đào tạo còn có Trường Đại học FPT - phân hiệu Quy Nhơn), Đại học Quang Trung, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Cao đẳng FPT Polytechnic (cơ sở Quy Nhơn).

Sáng 20/7, hơn 500 học sinh và phụ huynh đã tham dự hội thảo "Hiểu đúng - Quyết định đúng" tại Trường Đại học FPT – phân hiệu Quy Nhơn, với chủ đề "Chuẩn bị thế hệ nhân lực thời AI – Cơ hội bứt phá cho Gia Lai và khu vực". Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động FPTU OpenCamp 2025, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh có đam mê với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 1.

Hơn 500 học sinh và phụ huynh có mặt tại hội thảo của Trường Đại học FPT - phân hiệu Quy Nhơn để nghe trao đổi về định hướng lựa chọn ngành học AI. Ảnh: Thu Dịu

Có mặt tại hội thảo, em Nguyễn Thị Minh Châu - học sinh Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) chia sẻ: "AI là một lĩnh vực mới bùng nổ, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh. Ngành học này đang trở thành một ngành học 'hot' với cơ hội làm việc lớn. Khi được giới thiệu về AI cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh Gia Lai, em quyết định theo học ngành AI tại Đại học FPT – cơ sở Quy Nhơn. Thêm vào đó, em có thuận lợi là được nhận suất học bổng của Trường Đại học FPT, cùng với những cam kết về việc làm sau khi tốt nghiệp giúp em thêm mạnh dạn lựa chọn theo học lĩnh vực này".

Minh Châu chia sẻ thêm: "Điểm thi của em khá cao so với mong đợi, em cũng suy nghĩ nên chọn lựa giữa một trường đại học ở Tp.Hồ Chí Minh hoặc là ở lại quê theo học các ngành mới. Hiện em cũng đang lựa chọn tham khảo ý kiến để đưa ra quyết định. Bố mẹ muốn em theo học ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Quy Nhơn, còn em thì muốn học chuyên sâu hơn trong lĩnh vực AI. Nên việc chọn trường giữa Đại học Quy Nhơn và Đại học FPT đang là lựa chọn em ưu tiên lúc này. Đây là lý do mà em từ phường Quy Nhơn Tây (tỉnh Gia Lai) xuống tham gia hội thảo về ngành học AI của Đại học FPT tổ chức".

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 2.

Em Nguyễn Thị Minh Châu (Ba Tơ, Quảng Ngãi) chia sẻ về lựa chọn ngành học mới. Ảnh: Thu Dịu

Đưa con đi tham gia hội thảo lựa chọn ngành học, chị Lê Hiền (phường Quy Nhơn), nói: "Hội thảo đưa ra nhiều thông hay, phù hợp với xu hướng phát triển của giới trẻ. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng không ép buộc mà muốn cho con có thêm kênh tham chiếu phù hợp để lựa chọn ngành nghề theo học. Con tôi đang muốn tìm hiểu thêm một trường nữa ở Tp.Hồ Chí Minh rồi mới đưa ra quyết định".

Chính sách hỗ trợ hấp dẫn thu hút người học

Ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo, giao cho các trường đại học, cao đẳng thực hiện, tỉnh Gia Lai có những chính sách hỗ trợ đặc biệt hấp dẫn cho ngành học này. Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ trích từ 2% đến 8% học phí để chi học bổng khuyến khích cho sinh viên học tập giỏi và xuất sắc.

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Gia Lai, chia sẻ về xu hướng ngành nghề, và những thay đổi trong chính sách hỗ trợ của tỉnh cho những ngành học mới liên quan tới công nghệ.

Đặc biệt, tỉnh sẽ thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn nộp học phí với lãi suất ưu đãi, dự kiến 40 triệu đồng/năm và hỗ trợ miễn lãi suất trong thời gian tham gia đào tạo. Tỉnh còn cam kết hỗ trợ 100% lãi suất cho vay và miễn 100% số tiền nợ gốc cần phải trả nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc ít nhất 3 năm tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo TS. Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, việc đào tạo nhân lực AI tại khu vực không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình mà còn tạo cơ hội kết nối với doanh nghiệp địa phương và quốc tế trong vùng.

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 4.

TS. Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, nói về định hướng đào tạo nhân AI. Ảnh: Thu Dịu

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, khẳng định: "Với chính sách phát triển nhân lực cho ngành công nghệ cao, học sinh trong tỉnh Gia Lai và các khu vực lân cận có thể yên tâm theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Học gần không có nghĩa là bị giới hạn – nếu bạn học đúng, học tốt, học với tư duy toàn cầu. Từ Pleiku hay Quy Nhơn, các em hoàn toàn có thể học giáo trình quốc tế, học online với giảng viên nước ngoài, thực tập tại các tập đoàn đa quốc gia".

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 5.

Nhiều học sinh tại tỉnh Gia Lai đăng ký vào chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Nam, kỳ thi THPT 2025 tại Gia Lai có 35.213 thí sinh tham dự với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,32%, khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của học sinh địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ có một tỷ lệ nhỏ học sinh chọn học tại địa phương, đa số vẫn hướng về các thành phố lớn. Với ngành học mới cùng chính sách hỗ trợ hấp dẫn, thời gian tới, Sở cùng với các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để các bậc phụ huynh, học sinh có thể có lựa chọn phù hợp hơn.

"Mối lo của phụ huynh và học sinh là đầu ra sau khi tốt nghiệp. Ở Gia Lai, đào tạo công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ cao gắn liền với sự phát triển của tỉnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Hiện tỉnh Gia Lai là điểm dừng chân của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và Đô thị phụ trợ ở Long Vân đang được xây dựng; dự án Trung tâm đào tạo nhân lực năng lượng tái tạo tại Phù Mỹ sắp khởi công... sẽ là điểm dừng chân cho nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp", ông Nam nói thêm.

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của khu vực- Ảnh 6.Gia Lai rà soát xây dựng trường học cho 7 xã biên giới

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở ngành và đại diện 7 xã biên giới phía Tây tỉnh rà soát, đầu tư xây dựng hệ thống trường học phục vụ học sinh vùng biên giới.